Saudi Arabia khẳng định sản lượng dầu trong thập kỷ tới sẽ giảm rất sâu

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Tổng chi tiêu của toàn cầu vào các dự án dầu và khí đốt giảm 30% xuống 309 tỷ USD vào năm 2020 và cho đến nay mới chỉ hồi phục hạn chế, theo nghiên cứu của Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF).

Ảnh: Nikkei
Ảnh: Nikkei

Saudi Arabia công bố sản lượng dầu từ nay đến cuối thập kỷ có thể giảm khoảng 30% do đầu tư vào sản xuất các nhiên liệu hóa thạch giảm đi.

Theo CNBC dẫn lời của Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, ông Abdulaziz bin Salman, khẳng định: “Chúng ta đang hướng đến một giai đoạn nguy hiểm nếu không có đủ đầu tư vào ngành năng lượng. Kết quả có thể một cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ đến”.

Ông Salman cho biết sản lượng dầu có thể giảm khoảng 30 triệu thùng vào năm 2030, ông hối thúc các công ty năng lượng và nhà đầu tư lờ đi những thông điệp đáng sợ hiện tại về dầu và khí đốt.

Tuyên bố của ông Abdulaziz được đưa ra không lâu sau khi Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia đưa ra cảnh báo tương tự.

Quan điểm của họ khác biệt hoàn toàn với cái mà phần lớn các chuyên gia khí hậu luôn khẳng định để làm chậm quá trình ấm lên của toàn cầu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tổ chức chuyên tư vấn cho các nước giàu, đã kêu gọi việc ngừng đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch nếu thế giới muốn trung hòa khí thải các bon vào năm 2050.

Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, thuộc nhóm số ít các quốc gia vẫn đang chi ra hàng tỷ USD nhằm mở rộng quy mô sản xuất năng lượng. Saudi Arabia đang cố gắng nâng sản lượng lên 13 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2027 từ mức 12 triệu thùng hiện tại.

Tổng chi tiêu của toàn cầu vào các dự án dầu và khí đốt giảm 30% xuống 309 tỷ USD vào năm 2020 và cho đến nay mới chỉ hồi phục hạn chế, theo nghiên cứu của Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF).

Cách đây không lâu, Saudi Arabia, Nga và nhiều nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới đã quyết định vẫn duy trì kế hoạch tăng sản lượng dầu từ tháng 1/2022 bất chấp việc giá dầu giảm sâu trong thời gian gần đây có nguyên nhân từ nỗi sợ về khả năng thừa dầu.

Tình trạng giá dầu suy giảm trở nên tệ hại hơn khi mà số lượng các ca nhiễm COVID-19 tăng vọt tại châu Âu, biến chủng Omicron trở thành mối hiểm họa mới với hoạt động kinh tế.

Trong tuyên bố mới nhất, OPEC+ cho biết sẽ vẫn tiếp tục tính đến diễn biến của đại dịch COVID-19, theo sát diễn biến trên thị trường dầu, đồng thời sẵn sàng có những điều chỉnh phù hợp nếu cần thiết. Cuộc họp tiếp theo của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 4/1/2022.

Các chuyên gia phân tích đã kỳ vọng OPEC+ sẽ hoãn tăng sản lượng 400.000 thùng dầu/ngày từ tháng 1/2022 bởi xét đến việc giá dầu giảm trong thời gian qua và nhiều yếu tố bất ổn liên quan đến đại dịch COVID-19 cũng như tác động của nó lên giá dầu.

Dù rằng giá dầu thô thấp có thể tạm ảnh hưởng đến nguồn thu của OPEC và Nga ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên ảnh hưởng của họ lên thị trường năng lượng sẽ tăng lên trong dài hạn khi mà tỷ trọng của hai nước này trong tổng quy mô sản xuất dầu toàn cầu tăng lên.

Theo những tính toán từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), OPEC và Nga có thể chiếm khoảng 58% nguồn cung dầu toàn cầu vào năm 2050, tăng đáng kể so với con số 46,5% vào năm ngoải khi mà nhiều nước khác ví như Mỹ giảm đầu tư vào khai thác và sản xuất dầu bởi các cổ đông của doanh nghiệp yêu cầu phải minh bạch hơn nữa về vấn đề tài chính. Áp lực từ phía các nhà đầu tư liên quan đến việc giảm khí thải các bon và giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu vô cùng lớn.