Thế giới mong đợi điều gì năm thứ ba đại dịch?

Theo daibieunhandan.vn

Sau hai năm chiến đấu với đại dịch COVID-19, thế giới đã chấp nhận COVID-19 sẽ không thể biến mất hoàn toàn, nhưng chúng sẽ không mạnh như ban đầu và trở thành một căn bệnh đặc hữu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nỗ lực không ngừng nghỉ

Trong năm 2021, thế giới đã thành công trong điều chế vắc xin và tiến hành tiêm chủng một cách nhanh chóng. Các loại thuốc mới đang được lưu hành đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ ca bệnh chuyển biến nặng và tử vong do COVID-19 gây ra. Việc tạo ra và cấp phép nhanh chóng cho các loại vắc xin, đồng thời đưa ra các phương pháp điều trị cho từng căn bệnh là cả một sự thành công về lĩnh vực khoa học y khoa thế giới. Nếu như vắc xin bại liệt (Polio vắc xin) đã mất 20 năm để đi từ những thử nghiệm ban đầu cho đến khi được cấp phép đầu tiên tại Mỹ, thì chỉ hai năm sau, thế giới đã sản xuất ra khoảng 1,5 tỷ liều vắc xin COVID-19 mỗi tháng. Công ty dữ liệu khoa học đời sống Airfinity dự đoán rằng, vào cuối tháng 6.2022, tổng cộng 25 tỷ liều thuốc có thể được sản xuất.

Mặc dù vắc xin không thể bảo vệ hoàn toàn người bệnh khỏi COVID-19, đặc biệt là ở người cao tuổi, song các nhà khoa học đã phần nào vượt qua thách thức này. Trong đó phải kể đến phương pháp điều trị bằng thuốc đối với các triệu chứng ban đầu của thuốc kháng virus là Molnupiravir, được chỉ định dùng hai lần mỗi ngày. Các cuộc thử nghiệm đã cho thấy, loại thuốc này đã giúp giảm một nửa số ca tử vong, nhập viện và giảm được áp lực hệ thống y tế. Bên cạnh đó, khi bệnh nhân chuyển biến bệnh nặng có thể dùng tới dexamethasone, đây là một loại thuốc corticosteroid với giá thành rẻ hơn, giúp giảm nguy cơ tử vong 20 - 30%. Hơn nữa, để giúp phòng ngừa COVID-19 hiệu quả cho những đối tượng nhỏ tuổi, một số quốc gia đã tích cực nghiên cứu ra nhiều loại vắc xin, trong đó đặc biệt có vắc xin dạng xịt và dạng hít.

Trong hai năm qua, khoảng 270 triệu người đã mắc COVID-19 và nghiên cứu cho thấy, những người đã từng mắc bệnh có thể tăng kháng thể chống lại các biến thể cũ. Đây cũng là lý do khiến các nhà nghiên cứu tin rằng, trong tương lai, dịch bệnh sẽ không còn quá nguy hiểm. Các chuyên gia y tế Anh cho biết, con người hoàn toàn có khả năng bị tái nhiễm, nhưng với mỗi lần tái nhiễm với virus, hệ thống miễn dịch lại được tái tạo tốt hơn để đẩy lùi nó. Song song với đó là các phương pháp điều trị mới giúp cho việc chữa trị ngày một nhanh và hiệu quả hơn. Dù vậy, thế giới vẫn phải cảnh giác với virus SARS-CoV-2 vì chúng luôn biến đổi và có tốc độ lây lan nhanh hơn như biến thể Omicron đang hoành hành hiện nay.

Phác thảo bức tranh đại dịch năm 2022

Năm thứ ba của đại dịch sẽ có những dấu hiệu khả quan hơn về tình trạng sức khỏe, các hoạt động hàng ngày của người dân cũng phần nào ít bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 so với hai năm trước. Với tỷ lệ tiêm vắc xin ngày càng cao sẽ làm suy yếu mối liên hệ giữa các trường hợp mắc bệnh và tử vong, nhưng tại những quốc gia nghèo hơn ít được tiêm chủng đầy đủ, thì những tác động của đại dịch vẫn có thể bị kéo dài.

Mặc dù nguồn cung vắc xin đã tăng vọt trong quý cuối cùng của năm 2021, nhưng nhiều quốc gia sẽ vẫn chưa đạt được tỷ lệ cao trong khoảng đầu năm 2022 vì khó khăn trong việc phân phối và do dự về tính hiệu quả của vắc xin. Điều này sẽ dẫn đến tỷ lệ tử vong và bệnh tật cao hơn, cũng như phục hồi kinh tế chậm và yếu hơn. Do đó, việc phân phối vắc xin tới các quốc gia cần thiết là mục tiêu mà các tổ chức y tế lớn trên thế giới mong muốn được nhanh chóng giải quyết.  

Bên cạnh đó, việc tiêm các mũi tăng cường chắc chắn sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa vào năm 2022. Các loại vắc xin đang lưu hành hiện nay cũng sẽ có những phiên bản tinh chỉnh được sử dụng làm mũi tiêm tăng cường, nâng cao khả năng bảo vệ chống lại các biến thể mới. Ở một số quốc gia, việc tiêm chủng cho trẻ em cũng sẽ được mở rộng hơn nữa, đặc biệt hướng tới đối tượng cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi. Trong trường hợp nhiều người còn do dự về tính hiệu quả của vắc xin, chính phủ các nước sẽ có những phương án như yêu cầu hộ chiếu vắc xin tại một số địa điểm nhất định và bắt buộc tiêm chủng đối với các nhóm như nhân viên y tế.

Theo dự đoán của các chuyên gia y tế, nhờ vào các loại thuốc điều trị COVID-19 mới kết hợp với các phương pháp điều trị ngày càng tiên tiến sẽ làm giảm số ca bệnh trở nặng, cũng như nguy cơ mắc các biến thể mới vào giữa năm 2022. Tại thời điểm này, virus sẽ trở thành dịch bệnh lưu hành ở nhiều quốc gia. Mặc dù các loại vắc xin hiện có có thể ngăn chặn virus, nhưng trong tương lai thế giới vẫn cần những loại vắc xin mới để sẵn sàng đối phó với bất kỳ biến thể mới nào có thể xuất hiện. 

Theo đó, người đứng đầu Công ty Dược phẩm Moderna Stephane Bancel cho biết, công ty này đang nghiên cứu một loại vắc xin “đa hóa trị”, chúng có khả năng bảo vệ con người khỏi nhiều nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2. Những cải tiến khác trong cách điều chế vắc xin ngừa COVID-19 sẽ bao gồm các công thức đông khô của mRNA, và vắc xin được đưa vào cơ thể qua miếng dán da.

Khi nguồn cung cấp vắc xin tăng lên vào năm 2022, những loại vắc xin dựa trên mRNA sẽ ngày càng được ưa chuộng hơn, vì chúng mang lại mức độ bảo vệ cao hơn. Ở các nước tiên tiến sẽ tập trung nhiều hơn vào các phương pháp điều trị bằng kháng thể cho những người bị nhiễm COVID-19. Mỹ, Anh và các quốc gia khác sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các loại hỗn hợp kháng thể (cocktail kháng thể) như của Regeneron hoặc AstraZeneca.

Các loại thuốc kháng virus đang dần được các hãng dược phẩm điều chế ở dạng viên với tính thông dụng cao, loại này hứa hẹn sẽ giúp biến COVID-19 trở thành một căn bệnh có thể điều trị khỏi. Song, rủi ro lớn nhất đối với triển vọng lạc quan này là sự xuất hiện của một biến thể mới có khả năng tránh được sự bảo vệ được cung cấp bởi các loại vắc xin hiện có. Hiện nay, Omicron đang là một biến thể đáng lo ngại nhất với tốc độ lây lan nhanh chóng, nhưng thế giới đã rút ra được một bài học sâu sắc về sự thận trọng và sẵn sàng chuẩn bị cho một cuộc chiến mới với đại dịch COVID-19.

Những gì COVID-19 có thể làm vào năm 2022 chắc chắn sẽ có những đợt bùng phát cục bộ và theo mùa, đặc biệt là ở những quốc gia chưa được tiêm phòng đầy đủ hay tỷ lệ tiêm còn thấp. Các nhà dịch tễ học cũng sẽ cần phải theo dõi các biến thể mới vì chúng có thể có khả năng vượt trội, né khả năng miễn dịch do vắc xin cung cấp. Mặc dù vậy, trong những năm tới, khi COVID-19 yên vị với số phận của mình như một căn bệnh đặc hữu giống như cúm mùa hoặc cảm lạnh thông thường, cuộc sống ở hầu hết các nước trên thế giới có thể trở lại bình thường, ít nhất là bình thường sau đại dịch.