Thuế quan Châu Âu có bất lợi với hàng nhập khẩu Mỹ?

Theo Việt Dũng/congthuong.vn

Năm 2018, quan hệ giữa EU và Mỹ đã có những lúc căng thẳng và phức tạp, nhất là khi cuộc tranh chấp do Mỹ khởi xướng không chỉ xảy ra với Trung Quốc mà với các đồng minh thân cận khác, trong đó có EU.

Số liệu của Ủy ban châu Âu cho thấy các hộp thuốc lá của Mỹ phải đối mặt với thuế nhập khẩu là 74,9%. Nguồn: Internet
Số liệu của Ủy ban châu Âu cho thấy các hộp thuốc lá của Mỹ phải đối mặt với thuế nhập khẩu là 74,9%. Nguồn: Internet

Tổng thống Donald Trump đã từng tuyên bố rằng hàng xuất khẩu của Mỹ phải đối mặt với các mức thuế không công bằng khi cập bến thị trường châu Âu. Ủy ban Châu Âu tin rằng Liên minh Châu Âu và Mỹ thường xuyên dành cho nhau mở cửa thị trường ưu đãi trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại đối với hàng xuất khẩu của nhau. Ủy ban Châu Âu khẳng định xuất khẩu của Mỹ sang châu Âu phải chịu mức thuế trung bình 3%, gần với mức trung bình 2,4% mà Mỹ áp đặt đối với hàng hóa và dịch vụ của châu Âu. Tuy nhiên, theo Tổ chức Thương mại Thế giới, hồi năm 2016, Mỹ đã áp thuế nhập khẩu tối thiểu 3,5% trong khi mức thuế tại Liên minh Châu Âu là 5,2%.

Cụ thể với ngành ô tô, Tổng thống Donald Trump dẫn chứng xuất khẩu ô tô của Mỹ sang châu Âu bị đánh thuế ở mức cao hơn so với xuất khẩu của châu Âu sang Mỹ. Trên thực tế, ô tô của Mỹ phải đối mặt với mức thuế 10% trong khi xe hơi châu Âu chỉ chịu mức thuế 2,5% tại Mỹ. 

Tuy nhiên, trong lĩnh vực ô tô, Mỹ áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu xe tải và xe bán tải, cao hơn đáng kể so với mức 14% mà các sản phẩm châu Âu tương tự phải đối mặt ở Mỹ. Hơn nữa, Mỹ hướng mục tiêu vào các nhà sản xuất ô tô Đức nói riêng, khi các công ty này sản xuất một số lượng ô tô đáng kể tại Mỹ, bao gồm cả sản xuất để xuất khẩu sang các nước khác. Chẳng hạn, BMW đã xuất khẩu xe hơi trị giá 10 tỷ USD vào năm 2017 tới 140 quốc gia sau khi sản xuất tại một nhà máy ở Spartanburg, S.C. Công ty tuyên bố đây là nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất của Mỹ tính theo giá trị kể từ năm 2011. Nhà sản xuất ô tô Đức, Mercedes-Benz, đã sản xuất 286.000 xe tại nhà máy ở Tuscaloosa, Ala để xuất khẩu tới 135 thị trường trong năm 2017.

Khoảng một nửa số sản phẩm được trao đổi giữa Mỹ và EU được miễn thuế. Tuy nhiên, một số sản phẩm phải đối mặt với thuế rất cao, nếu không nói là thuế mang tính hạn chế và cấm nhập khẩu. Số liệu của Ủy ban châu Âu cho thấy các hộp thuốc lá của Mỹ phải đối mặt với thuế nhập khẩu là 74,9%. Các hàng hóa khác, và đặc biệt là nông sản, cũng có mức thuế cao, chẳng hạn như cà rốt ở mức 13,6%. Trước đây, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã khiếu nại mức thuế 1.680 USD/ tấn của EU đối với xuất khẩu dầu ô liu của Mỹ, trong khi nhập khẩu dầu ô liu của Mỹ từ châu Âu chỉ bị đánh thuế 34 USD/ tấn.

Mặt khác, Mỹ có mức thuế 164% đối với đậu phộng châu Âu trong khi sản phẩm tương đương của Mỹ phải đối mặt với mức thuế chỉ 1,8% ở châu Âu. Xuất khẩu giày dép châu Âu (48%) và dệt may (12%) cũng phải đối mặt với mức thuế cao hơn nhiều so với hàng hóa tương tự của Mỹ khi đến châu Âu. Ủy ban Châu Âu cho rằng chỉ một vài mặt hàng xuất khẩu bị đánh thuế cao, trong khi có những hàng hóa và dịch vụ có giá trị lớn hơn nhiều được hưởng mức thuế thấp hơn, đã tạo ra một bức tranh không chính xác về tình hình thuế quan chung giữa EU và Mỹ.

Ngoài thuế nhập khẩu, Tổng thống Donald Trump còn phàn nàn về “những rào cản" của châu Âu, liên quan đến các rào cản thương mại phi thuế quan như điều kiện kiểm dịch thực vật có nghĩa là có thể một số hàng hóa bị cấm nhập khẩu. Những vấn đề như vậy đã từng là trọng tâm của các cuộc đàm phán để thiết lập Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), một hiệp ước thương mại tự do lớn, bắt đầu đàm phán từ năm 2013 dưới thời cựu Tổng thống Obama trước khi bị trì trệ và ngừng đàm phán dưới thời Tổng thống Trump. Vào thời điểm đó, Washington hy vọng sử dụng các cuộc đàm phán để phá vỡ sự phản đối của châu Âu đối với hàng nhập khẩu nông sản của Mỹ như cây trồng biến đổi gen, thịt bò được xử lý bằng hormone hoặc thịt gà được rửa bằng clo.

Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean Claude Juncker hồi tháng 7/2018, hai bên đã thống nhất sẽ đẩy mạnh đàm phán các vấn đề thương mại và thuế quan trong năm 2019 để giải quyết các vướng mắc và tháo gỡ xung đột hiện tại đã đặt ra trong những năm gần đây, đặc biệt là vấn đề thuế quan ô tô và các rào cản phi thương mại.