Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng vào hiệp định RCEP

Theo nhandan.vn

Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực từ ngày hôm nay (1/1/2021). Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả thực thi hiệp định cùng các quốc gia thành viên đã ký kết và phê chuẩn, gồm: Việt Nam, Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, New Zealand và Australia.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, nước này sẽ thực hiện toàn diện và đầy đủ các nghĩa vụ của RCEP với chất lượng cao, mở rộng ngoại thương và đầu tư 2 chiều, tiếp tục ổn định và củng cố chuỗi cung ứng công nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.

Các cơ quan chức năng Trung Quốc sẽ hướng dẫn các địa phương, ngành nghề, doanh nghiệp tận dụng tốt các cam kết, quy tắc mở cửa thị trường đã thỏa thuận để nắm bắt tốt cơ hội do RCEP mang lại. Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan tiếp tục đào tạo các kiến thức, kỹ năng liên quan RCEP, hỗ trợ xây dựng nền tảng dịch vụ công của các khu thương mại tự do, hướng dẫn và cung cấp dịch vụ bảo đảm việc thực thi hiệp định cho các địa phương, ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, nước này sẽ cùng các thành viên tích cực tham gia và hỗ trợ xây dựng cơ chế RCEP, đóng góp vào hợp tác kinh tế và kỹ thuật RCEP, cùng thúc đẩy nâng cao mức độ thực thi của hiệp định, tiếp tục cải thiện tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khu vực; xây dựng RCEP thành cơ chế hợp tác kinh tế và thương mại chủ yếu của khu vực Đông Á.

Theo thông báo về phương án điều chỉnh thuế quan năm 2022 của Ủy ban Thuế quan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, từ ngày 1/1/2022, nước này sẽ áp dụng thuế suất năm đầu tiên của hiệp định RCEP đối với các hàng hóa có xuất xứ từ 9 nước đã ký kết và phê chuẩn hiệp định, gồm: Nhật Bản, New Zealand, Australia, Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Theo đó, sẽ có hàng loạt hàng hóa được giảm thuế suất theo lộ trình cắt giảm thuế quan của hiệp định RCEP.

Sau 8 năm nỗ lực đàm phán, RCEP được ký kết vào ngày 15/11/2020 và chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2022; đánh dấu sự hình thành của một khu vực tự do thương mại với quy mô dân số, quy mô kinh tế lớn nhất thế giới, thể hiện niềm tin và quyết tâm của các bên trong việc bảo vệ chủ nghĩa đa phương và tự do thương mại, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực; đóng góp vào tăng trưởng thương mại và đầu tư, phục hồi và phát triển kinh tế toàn cầu.