Trung Quốc: Tìm hướng đi cho 2019

Theo Đạt Quốc/daibieunhandan.vn

Hôm nay 19/12, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương thường niên năm 2018 (CEWC-2018) của Trung Quốc đã chính thức khai mạc. Tại sự kiện kinh tế quan trọng bậc nhất này, các quan chức Trung Quốc sẽ tập trung thảo luận các biện pháp bình ổn kinh tế, một nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ ngày càng gây nhiều thiệt hại đối với tăng trưởng kinh tế của nước này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo các nhà kinh tế thuộc Công ty quản lý tài sản Candriam, nếu cuộc chiến thuế quan bước sang giai đoạn ba (tăng 25% thuế đối với 267 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc), Bắc Kinh có thể mất đến 1,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2019, trong khi Mỹ nhiều nhất chỉ thiệt hại 0,2 - 0,3% GDP. Trước những diễn biến xấu và thiệt hại ngoài dự tính từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, giới quan sát đánh giá Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc thường niên năm 2018 có ý nghĩa quan trọng để Chính phủ Trung Quốc điều chỉnh và đề ra các đối sách trong năm tới.

Phát triển thị trường nội địa mạnh

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ Trung Quốc cần chuẩn bị tâm lý cho cả hai kịch bản đàm phán thương mại với Mỹ có thể thành công hoặc thất bại. Tuy nhiên, ông Tang Jianwei - Phó Trưởng ban nghiên cứu tại Bank of Communications của Trung Quốc nhận định, bất chấp tình trạng căng thẳng mậu dịch với Washington, hội nghị CEWC lần này sẽ tập trung vào các chính sách để xây dựng một nền tảng kinh tế vững chắc hơn là đối phó với những kết quả không thể lường trước trong đàm phán với chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Quả thực, trước thềm hội nghị, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 13/12 rằng Trung Quốc sẽ nỗ lực phát triển “một thị trường nội địa mạnh” như một hướng đi để bù đắp những bất ổn bên ngoài trong năm tới.

Ông Zhang Jun, nhà kinh tế cấp cao tại Trung tâm tài chính Morgan Stanley Huaxin Securities cho biết, tất cả những gì Bắc Kinh có thể làm lúc này là xây dựng một hàng rào đủ mạnh để ngăn chặn chiến tranh thương mại phát triển thành một mối nguy cơ đối với toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc. “Chúng ta đã chứng kiến nhiều điều không lường trước trong năm nay. Không ai có thể bảo đảm 100% về điều gì sẽ xảy ra năm tới, từ kinh tế toàn cầu đến đàm phán thương mại Trung Quốc - Mỹ”, ông nói.

Các tổ chức tài chính ở Trung Quốc cho rằng, CEWC sẽ công bố thâm hụt ngân sách của chính phủ cao hơn mục tiêu năm nay là 2,6% GDP để cho phép chi tiêu tài chính nhiều hơn, đồng thời cắt giảm thuế lớn hơn khoản 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 174 tỷ USD) áp dụng trong năm nay.

China International Capital Corp - Công ty môi giới chứng khoán hàng đầu của Trung Quốc nhận định chính phủ sẽ giảm thuế giá trị gia tăng 2% và mức đóng góp an sinh xã hội 5% năm 2019: Cả hai động thái điều chỉnh trên đều hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân đang gặp khó khăn.

Suốt tháng 11 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ hỗ trợ các công ty tư nhân - nạn nhân chính của chiến tranh mậu dịch Mỹ - Trung, khi Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định tầm quan trọng của họ đối với nền kinh tế cũng như hứa hẹn sẽ hỗ trợ tín dụng. Tuần trước, việc Bộ An sinh Xã hội Trung Quốc tuyên bố sẽ từ bỏ một phần đóng góp bảo hiểm thất nghiệp của những chủ lao động cam kết không cắt giảm nhân công cho thấy nỗ lực mới nhất nhằm ổn định nền kinh tế của chính phủ đã tập trung vào thị trường việc làm.

Hạ thấp mục tiêu tăng trưởng

Kể từ khi bị cuốn vào cuộc thương chiến với Mỹ, kinh tế Trung Quốc dường như đã giảm tốc một cách rõ ràng. Trong quý III vừa qua, tăng trưởng của nền kinh tế số 2 thế giới chỉ còn 6,5%, mức thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ, trong khi các chỉ số quan trọng khác cũng dự báo đà sụt giảm sẽ tiếp tục duy trì trong quý IV/2018. Giới phân tích dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ “ngấm đòn” nặng nhất trong 6 tháng đầu năm 2019 khi các biểu thuế bổ sung của Mỹ có hiệu lực toàn phần. Bên cạnh đó, chủ trương tăng chi tiêu và cắt giảm thuế sẽ tiếp tục được thúc đẩy.

Một số nhà quan sát với lập trường bi quan đã dự báo tăng trưởng của Trung Quốc ở dưới 6% trong nửa đầu năm 2019 nếu tác động xấu từ cuộc chiến mậu dịch gia tăng cũng như các biện pháp kích thích do chính phủ thực hiện không thể vực dậy nền kinh tế. Vì vậy nhiều khả năng, hạ mục tiêu tăng trưởng trong năm tới cũng là một trong những biện pháp được các nhà hoạch định Trung Quốc đưa ra.

Tiếp tục đường lối cải cách, mở cửa

Hội nghị CEWC-2018 diễn ra vào một thời điểm đặc biệt. Đúng ngày này 40 năm trước, ngày 18/12/1978, các chính sách cải cách - mở cửa của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình chính thức được thực hiện, mở ra một giai đoạn phát triển rực rỡ, đặt nền tảng để Trung Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới như hiện nay.

Chính vì vậy tại Hội nghị lần này, các nhà hoạch định Trung Quốc sẽ tiếp tục khẳng định tinh thần chủ động đi đầu trong cải cách mở cửa. Kể từ đầu năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp mở cửa mới, trong đó có việc giảm đáng kể thuế nhập khẩu đối với 1.449 mặt hàng tiêu dùng và 1.585 sản phẩm công nghiệp, giảm bớt các hạn chế mang tính tiêu cực đối với đầu tư nước ngoài.

Chính phủ Trung Quốc còn cam kết mở cửa hơn nữa đối với đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực tài chính, ô tô, máy bay và tàu thuyền... Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), xếp hạng môi trường kinh doanh của Trung Quốc đã tăng hơn 30 bậc kể từ năm 2017.

Doanh thu từ Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE) đầu tiên đã đạt 57,8 tỷ USD, qua đó phản ánh tiềm năng đối với thị trường rộng lớn của Trung Quốc. Năm 2019, Trung Quốc hướng tới tổ chức các diễn đàn cấp cao về hợp tác quốc tế và CIIE lần thứ hai. Đối với vấn đề phát triển, Chính phủ Trung Quốc sẽ chủ động đi đầu và nắm bắt các cơ hội chiến lược để phát triển.