Tài chính tiêu dùng – dịch vụ dành cho ai?
Sự ra đời của các công ty tài chính dưới sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mở thêm một lối ra cho nhu cầu vay tiêu dùng chính đáng của người dân.
15 năm trước, cụm từ “vay tiêu dùng” còn vô cùng xa lạ tại Việt Nam. Người dân có nhu cầu vay chỉ biết tìm đến các ngân hàng.
Thêm vào đó, tâm lý e ngại chuyện đi vay vẫn còn khá nặng nề nên chuyện loay hoay tìm nguồn hỗ trợ tài chính là tình trạng phổ biến lúc đó. Khi ấy, nếu không vay được ngân hàng, gia đình bạn bè không có khả năng hỗ trợ, thì đa phần chỉ biết tìm đến các dây hụi, hoặc đi vay nặng lãi.
Sự ra đời của các công ty tài chính dưới sự quản lý chặt chẽ của NHNN đã mở thêm một lối ra cho nhu cầu vay chính đáng của người dân.
Hơn 15 năm qua, đã có 16 công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam.
Theo số liệu báo cáo, trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng bình quân vào khoảng 20%/năm. Số liệu từ NHNN cho thấy, đến ngày 30/9/2022, dư nợ cho vay tiêu dùng đạt khoảng 2,42 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với cuối năm 2021.
Trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống. Các số liệu này đã chứng minh tầm ảnh hưởng tích cực của các công ty tài chính tiêu dùng đến nền kinh tế.
Với các chính sách mở rộng đối tượng phục vụ, khẩu vị rủi ro khác biệt, tập trung vào công nghệ và trải nghiệm khách hàng, các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép đã và đang góp phần giúp người dân, đặc biệt là những người không đủ tiêu chuẩn tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, tiếp cận được dòng vốn minh bạch.
Có thể nói, sự góp mặt của các công ty tài chính vào thị trường ngoài tác dụng đa dạng hóa cơ cấu tổ chức tài chính, còn là công cụ hiệu quả trong việc ngăn chặn sự “bành trướng” của tín dụng đen bao gồm các công ty tự nhận là công ty tài chính và các ứng dụng (App) cho vay lừa đảo mọc lên như nấm trong thời gian qua.
Như đã nói ở trên, các công ty tài chính tiêu dùng tập trung vào công nghệ để giảm chi phí vận hành và gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Do đó, đặc điểm sản phẩm của các công ty tài chính tiêu dùng thường là các gói vay nhỏ, duyệt vay nhanh - thậm chí có thể duyệt vay tự động trong vòng 15 phút có kết quả ngay mà chỉ cần duy nhất CMND/CCCD cùng công nghệ e-KYC qua ứng dụng di động.
Khẩu vị rủi ro khác biệt cũng là một lợi thế để các công ty tài chính tiêu dùng không đòi hỏi khách hàng phải nhận lương chuyển khoản hoặc phải cung cấp sao kê giao dịch ngân hàng nhiều tháng mới cho vay.
Với các đặc thù này, có thể khẳng định, dịch vụ của công ty tài chính tiêu dùng là dành cho những người dân không đủ điều kiện để tiếp cận với các chuẩn mực cho vay của ngân hàng thương mại, thậm chí những người chưa có lịch sử tín dụng với ngân hàng hoặc không có tài sản thế chấp.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các công ty tài chính tiêu dùng có thể phê duyệt giải ngân bất chấp các chỉ đạo và quy định của NHNN.
Các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép bắt buộc phải hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng và phải tuân thủ các quy định pháp lý nghiêm ngặt về đối tượng cho vay, han mức dư nợ, quản lý mục đích sử dụng vốn vay, quy định quản lý nợ xấu, các loại phí được phép thu…
Để đảm bảo tuân thủ, các công ty tài chính tiêu dùng buộc phải xây dựng quy định xét duyệt cụ thể, bao gồm xem xét lịch sử thanh toán nợ của đối tượng cho vay được tra cứu từ Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia (CIC), NHNN.
Tính chất các khoản vay tín chấp tiêu dùng là không có tài sản bảo đảm, các công ty tài chính tiêu dùng lại không được huy động vốn trực tiếp từ người dân nên chi phí hoạt động thông thường là không nhỏ. Điều này bắt buộc các công ty tài chính phải áp dụng các biện pháp quản trị rủi ro phù hợp, mặc dù khẩu vị rủi ro đã khá khác biệt so với ngân hàng.
Do đó, nếu các công ty tài chính không thể, hoặc gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ do người vay chây ỳ hoặc cố tình trốn nợ, thì hoặc là lãi suất buộc phải đẩy lên cao để bù đắp các khoản chi phí hoạt động phát sinh, hoặc chính sách duyệt vay buộc phải siết chặt hơn để hạn chế nguy cơ bị mất vốn vay.
Thực trạng được nêu lên gần đây là việc rộ lên hàng trăm hội nhóm xúi giục, chia sẻ cách thức “bùng nợ”. Một bộ phận không nhỏ người đi vay đã lợi dụng những nỗ lực của các công ty tài chính tạo điều kiện cho họ tiếp cận vốn vay dễ dàng, để cố tình trốn tránh trả nợ và thậm chí cố tình nhập nhằng dùng những thông tin trên báo đài về hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức mạo danh công ty tài chính để đe dọa ngược lại đơn vị cho vay.
Chính thái độ và hành vi thiếu hiểu biết này, đã tác động không nhỏ đến việc quyết định cho vay và lãi suất cho vay của các tổ chức tài chính, ảnh hưởng trực tiếp đến chính người đi vay: cánh cửa giúp họ tiếp cận với nguồn vốn vay chính thống và minh bạch dần hẹp lại.
Tháng 10/2022, Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đã phối hợp Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) tổ chức Hội thảo “Tài chính tiêu dùng: Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế” với sự tham dự và phát biểu của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú.
Động thái này cho thấy sự quan tâm đặc biệt đến đại bộ phận người dân khó tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng. Một trong những nội dung được trình bày trong Hội thảo, là vấn đề nâng cao nhận thức của người dân có thu nhập trung bình/thấp - đối tượng phục vụ chính của các công ty tài chính tiêu dùng - về các quy định pháp luật, các quy định về điều khoản hợp đồng vay và nghĩa vụ trả nợ.
Để làm được điều này, các công ty tài chính cần sự chung tay hỗ trợ của các cấp quản lý, chính quyền, tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông… nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh tín dụng lành mạnh, tăng trưởng tín dụng an toàn hiệu quả, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, đem lại sự ổn định trật tự cho toàn xã hội.