Tài chính vẫn là rào cản lớn nhất đối với các dự án khởi nghiệp

PV.

Thông tin trên được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tại Hội thảo “Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam năm 2015/2016 và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và khởi nghiệp” diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh ngày 22/9/2016.

Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015/2016 dựa trên phương pháp tiếp cận Chỉ số Khởi nghiệp toàn cầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, tồn tại nhiều chỉ số thấp trong hoạt động khởi nghiệp so với tương quan nhiều nền kinh tế khác. Nhất là chỉ số đổi mới ở các hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam thuộc loại thấp (16,5%), xếp thứ 50/60 nền kinh tế.

Kết quả khảo sát của VCCI cũng cho thấy, trong giai đoạn khởi nghiệp ở Việt Nam, các định hướng “mới” có chỉ số cực thấp khi chỉ có 4,8% sản phẩm được xem là mới, 4,4% là công nghệ mới, 2,2% là thị trường mới.

Thậm chí, khi đã bước vào giai đoạn kinh doanh ổn định thì 3 yếu tố chính là sản phẩm, thị trường và công nghệ của doanh nghiệp (DN) Việt còn tụt xuống thấp hơn, chỉ còn chiếm 0,5 đến 2,8%.  

Nguồn tài chính được đánh giá vẫn là rào cản lớn với các dự án khởi nghiệp. Các dự án khởi nghiệp với bản chất rủi ro lớn, thiếu tài sản đảm bảo, nên việc tiếp cận các kênh huy động truyền thống như vay vốn tại ngân hàng thương mại là điều hết sức khó khăn.

Luật gia Nguyễn Ngọc Tuấn, thành viên Hội đồng hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam của VCCI và là Giám đốc công ty Đào tạo BeBoss Training (một DN chuyên về đào tạo khởi nghiệp với mục đích phi lợi nhuận) cho rằng:

Nếu được thì nên luật hoá một số chính sách bảo lãnh một số dự án kinh doanh hiệu quả của DN nhỏ, hay cho vay tín chấp đối với một số dự án khởi nghiệp đặc biệt có ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới trong sản xuất kinh doanh, hoặc tạo điều kiện để lực lượng khởi nghiệp tiếp cận vốn vay kịp thời hơn.