Tái cơ cấu DNNN: Đường còn dài, không đi sao tới?
Để thúc đẩy tái cơ cấu DNNN, hầu hết các ý kiến tại diễn đàn đều kiến nghị cần xem xét hoàn thiện các cơ chế chính sách về CPH, thoái vốn nhà nước...
Những vướng mắc không mới
Theo chia sẻ của ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tại Diễn đàn Tái cơ cấu DNNN diễn ra tại Hà Nội ngày 8/8/2019, quá trình cổ phần hóa (CPH), tái cơ cấu DNNN dù chưa đạt được mục tiêu đề ra song cũng có những kết quả nhất định. Thể hiện ở chất lượng được đảm bảo hơn, các phương án CPH được xây dựng chặt chẽ, đảm bảo công khai minh bạch, việc thoái vốn theo cơ chế thị trường và đấu giá công khai, trường hợp nào đấu giá không thành công mới chào bán cạnh tranh, nhờ đó tiền thu về Quỹ CPH đạt kết quả khá tốt.
Theo số liệu của Cục Tài chính doanh nghiệp, lũy kế đến hết quý II/2019, mới có 35/127 DN (thuộc danh mục phải CPH theo công văn số 991/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ) đã CPH; số lượng DN còn phải CPH là 92/127 DN, chiếm 72% kế hoạch. Trong khi đó, về tình hình thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019 phải thực hiện thoái vốn tại 62 DN nhưng tính đến hết quý II/2019, mới có 9 DN thực hiện thoái vốn. Lũy kế từ năm 2016 đến hết quý II/2019, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 15.821 tỷ đồng, thu về 50.630 tỷ đồng.
Nhưng nói gì thì nói, chỉ một vài số liệu như trên đã cho thấy, tiến độ CPH và thoái vốn chưa đạt được kế hoạch đề ra, nếu không muốn nói là tiếp tục rất chậm. Tại hội thảo vừa qua, các vướng mắc, bất cập - dù đã được nói đến rất nhiều lần - tiếp tục được các bên nêu ra.
Đó là các vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động…; là sự chưa “nghiêm túc” triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ của một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hay vai trò, nhận thức, trách nhiệm chưa cao, chưa quyết liệt của người đứng đầu DN; là việc các DNNN đã CPH nhưng không chịu niêm yết lên sàn; là vấn đề tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án CPH còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc CPH…
Theo PGS. TS. Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, việc Nhà nước còn nắm tỷ lệ sở hữu lớn khiến DN khó thay đổi về chất. Qua theo dõi diễn biến trên thị trường chứng khoán trong hơn 3 năm qua, trong tổng số 25 tổng công ty thuộc diện thoái vốn giai đoạn 2017-2020, có 20 tổng công ty đã niêm yết trên thị trường chứng khoán. Nhưng chỉ có một tổng công ty đã thực hiện thoái hết vốn nhà nước (Tổng công ty Đầu tư phát triển xây dựng), còn lại, có đến 8 tổng công ty gần như không có giao dịch cổ phiếu hoặc giao dịch không đáng kể.
“Điều đáng chú ý, tất cả những DN này đều có một đặc điểm chung là Nhà nước vẫn đang nắm từ 80% đến 98% tổng số cổ phần. Quan sát cũng cho thấy, không có nhiều biến động tích cực nào về tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của những DN này sau CPH, thậm chí, nhiều DN còn kinh doanh bết bát, kém hiệu quả hơn”, chuyên gia này cho biết.
Đã đến lúc cần “cá thể hóa” trách nhiệm
Điều này cũng khá trùng hợp với nhận định tại các báo cáo của Chính phủ về một thực tế là sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân vào khu vực DNNN còn rất hạn chế. Tính đến hết năm 2017, tỷ lệ vốn nhà nước thực bán qua CPH và thoái vốn chỉ chiếm khoảng 7,5% của tổng số vốn Nhà nước nắm giữ. Điều này dẫn đến một thực tế đáng quan ngại là DNNN không có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản trị, nhân sự - vốn là những yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động.
“Một điểm đáng lo ngại hơn mà chúng tôi cũng quan sát được, đó là sự chậm trễ trong CPH, thoái vốn dễ dẫn đến tâm lý hoạt động cầm chừng chờ đợi, thậm chí là bất an của chính đội ngũ quản lý và người lao động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN. Trong trường hợp này, DN đã yếu kém sẽ lại càng yếu kém hơn, và Nhà nước sẽ càng khó khăn hơn khi thoái vốn”, PGS. TS. Ngô Trí Long nói.
Để thúc đẩy tái cơ cấu DNNN, hầu hết các ý kiến tại diễn đàn đều kiến nghị cần xem xét hoàn thiện các cơ chế chính sách về CPH, thoái vốn nhà nước. Trong đó theo PGS. TS. Ngô Trí Long, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của các bộ, ngành và bên liên quan.
“Kế hoạch, danh mục Thủ tướng đã phê duyệt cho cả giai đoạn rồi. Vậy không làm đúng kế hoạch thì có bị xử lý không, hình thức xử lý như thế nào?”, chuyên gia này đặt vấn đề và cho rằng, đối với những trường hợp có vướng mắc, đặc thù hoặc chưa có quy định rõ ràng của pháp luật thì cần quy định rõ thẩm quyền do ai phải đề xuất phương án xử lý và ai có đủ thẩm quyền phê duyệt. Tránh tư tưởng đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc.
Trong khi đó dưới góc nhìn của công tác xác định giá trị DN để CPH và thoái vốn, ông Vũ An Khang - Tổng giám đốc Công ty Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC) cho rằng, dù các văn bản quy phạm pháp luật về CPH, thoái vốn ngày càng hoàn thiện, nhưng áp dụng vào trong thực tế muôn màu, muôn vẻ nên đơn vị tư vấn và DN CPH, thoái vốn vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là liên quan đến các vấn đề về đất đai, xác định giá trị lợi thế kinh doanh của DN; xác định giá tài sản là công trình nhà cửa, vật kiến trúc; phương pháp định giá DN khi thoái vốn…
Để đẩy nhanh tiến trình CPH, VVFC đề xuất Nhà nước cho phép kết hợp xác định giá trị DN đồng thời với việc tiếp tục trình duyệt phương án sử dụng đất và phải hoàn thành trước thời điểm kết thúc quá trình xác định giá trị doanh nghiệp. Đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của từng đơn vị, từng khâu để xảy ra chậm trễ trong việc phê duyệt phương án sử dụng đất.
Được biết, danh mục DN thực hiện CPH đến hết năm 2020 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, tổng số DNNN phải thực hiện CPH giai đoạn 2019 - 2020 là 93 DN, trong đó có 4 DN do Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn trở lên sau khi CPH; 62 DN do Nhà nước nắm giữ trên 50 đến dưới 65% và 27 DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% cổ phần hoặc Nhà nước không nắm giữ cổ phần.
Thông điệp không thể chậm trễ hơn nữa trong hoạt động CPH, thoái vốn đã được Chính phủ nêu ra rất rõ. Làm đúng nhưng phải nhanh, không phải vì sợ “cá thể hóa” trách nhiệm mà để chậm, không dám làm, gây ách tắc, trì trệ, vòng vo. Kỳ vọng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, công tác CPH, thoái vốn sẽ có những chuyển biến thực sự trong thời gian tới.