Bộ Tài chính làm đầu mối đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước
Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính làm đầu mối đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tránh dồn toa, dồn dập cuối năm. Bộ Tài chính cũng làm đầu mối đẩy nhanh tái cơ cấu ngân sách Nhà nước, làm sao tăng nguồn thu nội địa, bảo đảm cơ cấu chi hợp lý hơn, phát triển bền vững. Với các sắc thuế, cần đánh giá cụ thể để xem xét khả năng tăng cơ sở thuế và các loại thuế phù hợp.
Cũng tại phiên họp, đánh giá tình hình quý I/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, kinh tế đạt kết quả khả quan. Tăng trưởng GDP ước đạt 6,79%. Xét về phía cung, ngành công nghiệp và xây dựng đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo duy trì vị thế động lực tăng trưởng với mức tăng 12,35%. Khu vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ truyền thống, bán buôn, bán lẻ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, du lịch tiếp tục tăng trưởng ổn định, trên 7%.
Về mặt cầu, sức cầu trong nước tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 12%. FDI tăng kỷ lục, vốn góp mua cổ phần đạt gần 6 tỷ USD, gấp 3 lần mức cùng kỳ 2018. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thể dục thể thao… tiếp tục được quan tâm. An ninh trật tự, an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều rủi ro, thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội cần lưu ý trong quý II và năm 2019, trước hết là rủi ro, thách thức từ bên ngoài như kinh tế toàn cầu giảm tốc, triển vọng đàm phán thương mại Mỹ-Trung chưa rõ ràng, tiến trình Brexit phức tạp và bất định… Cần nhận thức các khó khăn này để vượt qua, trong đó, lạm phát chịu áp lực lớn. Thủ tướng nhấn mạnh, giữ lạm phát năm nay không quá 4% như cam kết trước Quốc hội. Tồn tại nữa, theo Thủ tướng, là môi trường kinh doanh còn có các rào cản, tình trạng biến tướng điều kiện kinh doanh được cắt giảm cần được theo dõi, phản ánh kịp thời. Một số văn bản pháp luật nội dung chưa sát thực tế, khó thực hiện, còn tình trạng nợ đọng văn bản.
Cho rằng giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là tồn tại đáng lưu ý. Các bộ trưởng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công. Cần phải giải ngân mọi nguồn lực đúng quy định. Nếu giải ngân hết 100% thì tăng trưởng sẽ rất lớn.
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị 09 vừa được Thủ tướng ban hành về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019, với tinh thần “kiên định thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra”. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có kịch bản tăng trưởng chi tiết để điều hành chủ động, “quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu năm 2019”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra 6 động lực thúc đẩy tăng trưởng năm 2019:
Một là, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông lâm, thủy sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp thúc đẩy triển khai Nghị quyết 26 về phát triển tam nông; quyết liệt phối hợp với các bộ, ngành ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, cập nhật tình hình, báo cáo Chính phủ thường xuyên.
Thứ hai, tăng cường tận dụng cơ hội từ CPTPP, đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập siêu. Thứ ba, thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo; theo dõi, bám sát hoạt động các doanh nghiệp, các dự án lớn để tháo gỡ vướng mắc kịp thời hơn.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ, logistics, du lịch, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng.
Thứ năm, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Mỗi bộ, ngành, tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước phải xử lý quyết liệt, hiệu quả, “đừng để tiền nằm im một chỗ”, nhất là các công trình trọng điểm. Chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt.
Thứ sáu, quan trọng nhất là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là một số vướng mắc thể chế đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển.