Vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng
Ngày 24/4/2019, Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo Khoa học giới thiệu, trao đổi kết quả nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ “Vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém tại Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho rằng, tổ chức bảo hiểm tiền gửi là một cấu phần quan trọng trong mạng lưới an toàn tài chính của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) là tổ chức bảo hiểm tiền gửi duy nhất, được thành lập 20 năm trước theo Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg ngày 9/11/1999 của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2012, Luật bảo hiểm tiền gửi đã được Quốc hội ban hành, cho thấy tầm quan trọng cũng như tính đặc thù trong hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
Trong suốt thời gian qua, BHTGVN đã thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao như: Cấp và thu hồi chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi; tính và thu phí; chi trả tiền gửi bảo hiểm; theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo hiểm tiền gửi…
Bà Hiền cho biết thêm, trong giai đoạn hiện nay, khi yêu cầu về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020" thì vấn đề nâng cao vai trò của BHTGVN được đặc biệt quan tâm. Luật các TCTD được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã đặt ra thêm nhiều nhiệm vụ đối với BHTGVN để tổ chức này tham gia tích cực hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD.
Bên cạnh đó, tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ) cũng đặt ra nhiệm vụ sửa Luật Bảo hiểm tiền gửi trong giai đoạn 2021 – 2025 nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của BHTGVN, tạo điều kiện cho BHTGVN tham gia sâu hơn vào việc tái cơ cấu các TCTD.
Trình bày các nội dung chính của đề tài nghiên cứu, TS. Vũ Văn Long – Phó Tổng giám đốc BHTGVN chủ nhiệm đề tài cho biết vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Ông Long nói, tùy theo mô hình BHTG được quy định cho phép các tổ chức BHTG có thể thực hiện các chức năng nhiệm vụ khác nhau nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống ngân hàng.
Đề cập đến mục mục đích tái cơ cấu các TCTD, TS. Long cho rằng, mục đích tái cơ cấu các TCTD nhằm củng cố hiệu quả hoạt động của ngân hàng thông qua việc đảm bảo khả năng thanh toán và khả năng sinh lời. Cải thiện năng lực thực hiện chức năng trung gian tài chính của hệ thống ngân hàng giữa người đi vay và người cho vay; khôi phục niềm tin của công chúng.
Gợi ý một số định hướng về chính sách trong thời gian tới, đề tài cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như: Xác định mạng an toàn tài chính quốc gia trong đó, quy định rõ cơ chế phối hợp, chức năng, quyền hạn của các cơ quan trong việc tái cơ cấu TCTD nói riêng cũng như đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính ngân hàng nói riêng; Sửa đổi đồng bộ Luật BHTG và các Luật có liên quan, ban hành các văn bản Thông tư hướng dẫn thực hiện để BHTGVN có thể tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD yếu kém…