Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Sức ép lớn

LÊ THỊ THU HÀ

(Tài chính) Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đang chạy đua với thời gian. Sức ép lớn đang đặt ra trong năm cuối cùng thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là bình quân mỗi ngày phải tái cơ cấu được 01 doanh nghiệp. Nếu không thực hiện quyết liệt sẽ khó thành công.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Đua với thời gian…

Theo ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN), trong 2 năm 2014-2015, cả nước phải hoàn thành sắp xếp 479 DN (trong đó cổ phần hoá (CPH) 432 DN; bán, giao, giải thể, phá sản 22 DN; sáp nhập, hợp nhất 25 DN). Đến hết năm 2014, chúng ta mới thực hiện được 167 DN, nghĩa là trong năm 2015 phải thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp trên 300 DN, bình quân mỗi ngày 1 DN.
Năm 2015 sẽ phải hoàn thành CPH 289 DN, một nhiệm vụ nặng nề, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn chưa phục hồi bền vững trong khi đến nay vẫn còn 42 DN chưa thành lập Ban chỉ đạo CPH. Trong khi đó, theo phương án bổ sung được phê duyệt, tổng số DN thực hiện CPH tăng thêm 100 DN.

Mặc dù, kết quả đạt được trong tái cơ cấu DNNN năm 2014 là hết sức tích cực, cao gấp hơn 2 lần năm 2013, nhưng vẫn khiêm tốn so với kế hoạch đặt ra của năm. Theo kế hoạch, năm 2015 sẽ phải hoàn thành CPH 289 DN, một nhiệm vụ nặng nề, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn chưa thực sự hồi phục, trong khi đến nay vẫn còn 42 DN chưa thành lập Ban chỉ đạo CPH. Trong khi đó, theo phương án bổ sung được Chính phủ phê duyệt, tổng số DN thực hiện CPH tăng thêm 100 DN. Bên cạnh đó, nhiệm vụ thoái vốn cũng là vấn đề lớn đang đặt ra trong năm 2015 khi nhìn vào lượng vốn khổng lồ buộc phải thoái nhưng kết quả đã thực hiện được còn hạn chế. Đến hết năm 2014, cả nước thoái được 6.076 tỷ đồng tại 233 DN, thu về 8.002 tỷ đồng, bằng 1,3 lần mệnh giá. Với tổng số vốn buộc phải thoái khoảng trên 20 nghìn tỷ đồng theo đề án tái cơ cấu thì kết quả trên còn hết sức khiêm tốn.

Tại hội nghị giao ban công tác tái cơ cấu DNNN diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN khẳng định, nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN trong năm 2015 là hết sức nặng nề nhưng phải quyết tâm thực hiện thành công. Để thực hiện thành công nhiệm vụ trên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo: Đối với những DN chưa thành lập Ban chỉ đạo CPH, trong quý I/2015 phải thành lập và tiến hành xác định giá trị DN. Phấn đấu trong quý III quý IV/2015 công bố giá trị DN, phê duyệt xong phương án CPH và tiến hành đấu giá. Các DN đã thành lập ban chỉ đạo, cần tổ chức ngay việc xác định giá trị DN, phấn đấu trong quý II/2015 tất cả đều công bố được giá trị DN và quý III/2015 phê duyệt xong phương án CPH. Các DN đã phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) nhưng tỷ lệ bán cổ phần chưa đạt như phương án đề ra, cần tiếp tục bán cổ phần. Không chuyển các đơn vị sự nghiệp về bộ khi CPH tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Những đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao thì thực hiện theo cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch. Các đơn vị cần có lộ trình phù hợp để thoái vốn đầu tư ngoài ngành đối với những khoản đầu tư dở dang nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

“Mục tiêu tái cơ cấu DNNN đã đặt ra cho năm 2015 không thể chậm trễ được. Nếu tiếp tục chậm trễ sẽ phải xử lý nghiêm như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Đó là phải xử lý người đứng đầu bộ, ngành, tập đoàn kinh tế, DN không thực hiện hoặc thực hiện không có kết quả…” - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.

Giải pháp mạnh

Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, PGS.,TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần loại bỏ ngay những “vật cản” trước mắt.

Theo ông Thiên, các vật cản ở đây tồn tại ngay chính trong DNNN và cơ chế chính sách. Cụ thể: Cải tiến mô hình quản trị DNNN là nỗi e sợ mất công cụ kiểm soát ngành hoặc thị trường, khi các bộ từ bỏ chức năng bộ chủ quản; Hoạt động quản trị DN chưa sáng tạo và khoa học. Nguyên nhân do bộ máy quản lý của DN phần lớn vẫn là các cá nhân cũ với tư tưởng cũ; Chưa rõ ràng được chức năng quản giám của những người đại diện trực tiếp vốn chủ sở hữu nhà nước tại DN, cũng như chức năng quản lý của những người điều hành DNNN; Chưa xác định rõ được điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của từng DN để có giải pháp tái cơ cấu phù hợp với từng DN.

Đồng thuận với quan điểm trên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, điều quan trọng cần phải giải quyết ngay là khơi thông được tư duy từ DN đến cơ quan quản lý. Trước hết, cần xác định rõ vai trò của kinh tế nhà nước và DNNN trong nền kinh tế thị trường ở nước ta. DNNN chỉ hoạt động trong những lĩnh vực mà khu vực tư nhân không muốn làm.

Trong quá trình thoái vốn ngoài ngành, mỗi DN cần có tư duy chủ động lên kế hoạch rõ ràng về quy trình thoái vốn; các cơ quan hữu quan cần lập một website công khai kế hoạch thoái vốn tại các DNNN. Qua đó, người dân có thể theo dõi và giám sát cũng như chủ động vào việc tham gia đấu giá DN.

Cùng với đó, nên loại bỏ chức năng đại diện quyền chủ sở hữu của các bộ, ngành và địa phương sẽ giúp cho họ tập trung và chuyên môn hóa nhiều hơn vào việc xây dựng các chính sách quản lý và giám sát. Quy định rõ ràng vị trí người quản lý giám sát là người phải vì lợi ích công và đại diện tham gia quản trị DNNN để hướng DNNN theo đuổi đúng các tôn chỉ lợi ích công; người quản lý là người được hội đồng quản trị DNNN thuê để điều hành DNNN hiệu quả theo những mục tiêu hội đồng quản trị đề ra.

TS. LÊ ĐĂNG DOANH

Cần thay đổi cả tư duy lẫn con người

Đã đến lúc phải dùng những nguyên tắc quản trị hiện đại đối DNNN. Theo đó, có thể áp dụng đầy đủ hoặc ít nhất là cải thiện đáng kể nguyên tắc công khai và minh bạch hóa thông tin, thiết lập cơ chế giám sát hữu hiệu đối với DNNN; Phải quy trách nhiệm rõ ràng cho người đứng đầu, cho giới hạn trong khoảng thời gian nhất định không thoái vốn, không CPH thì thay lãnh đạo DN.

Đặt trọng tâm cải cách, tức là thay đổi cả tư duy lẫn con người. Quan trọng hơn là phải công khai minh bạch, nói là phải làm. Bên cạnh đó, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường. Cả những DN đang kinh doanh hiệu quả cũng thực hiện nghiêm túc.

TS. TRẦN DU LỊCH

Xác định rõ vai trò lãnh đạo doanh nghiệp

Một bộ phận DNNN mà trực tiếp là lãnh đạo DNNN chưa thể hiện quyết tâm cao thực hiện CPH do e ngại sẽ phải cơ cấu lại tổ chức, bộ máy quản lý sau CPH; chưa thực sự chủ động trong công tác thực hiện CPH; nhất là việc tìm nhà đầu tư chiến lược, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, phát huy vai trò của Ban kiểm soát, bộ phận kiểm toán… Đây là những lực cản làm chậm tiến độ tái cơ cấu DNNN.

Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu DNNN, cần phải xử lý dứt điểm các lực cản này. Cụ thể là cần quy trách nhiệm và xử lý nghiêm người đứng đầu DN khi không hoàn thành nhiệm vụ.