Tái cơ cấu mang lại diện mạo mới
(Taichinh) - Đến nay, một trong những kết quả lớn mà Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đạt được chính là đã tạo được niềm tin đối với thị trường tiền tệ cũng như với người gửi tiền và nhà đầu tư. Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã nhận định như vậy về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Ông đánh giá như thế nào về quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Trong thực hiện tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế với 3 trụ cột gồm: tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu hệ thống các TCTD thì tái cơ cấu các TCTD là lĩnh vực đi đúng tiến độ, thực hiện đúng lộ trình, và đã đạt những thành tựu được xã hội ghi nhận hơn cả. Đến nay, một trong những kết quả lớn mà Đề án tái cơ cấu đạt được chính là đã tạo được niềm tin đối với thị trường tiền tệ. Đặc biệt, hệ thống NH đã giữ được niềm tin với người gửi tiền và nhà đầu tư, đó là thành công lớn nhất.
Thành công lớn nữa trong thực hiện tái cơ cấu hệ thống các TCTD là đã thực hiện theo Luật. Chúng ta đã có Luật Các TCTD và Luật NHNN 2010 nên khi quyết tâm thực hiện tái cơ cấu thì các TCTD, nhất là các TCTD yếu kém đã biết sợ Luật và phải sống theo Luật. Đặc biệt, qua việc mua lại VNCB và OceanBank với giá 0 đồng đã chứng tỏ cho nhà đầu tư, người dân rằng, NHNN luôn quyết liệt trong việc xử lý các NH yếu kém.
Vẫn có ý kiến cho rằng, tái cơ cấu các TCTD mới chỉ xử lý giảm được về số lượng NH yếu kém, thưa ông?
Sở dĩ nhiều người thay đổi cách nhìn về tái cơ cấu các TCTD là vì trước đây chúng ta mới hợp nhất, sáp nhập các NH yếu kém, nhưng nay NHNN đã có thể mua lại NH yếu kém với giá 0 đồng. Từ sự nghiêm khắc trong vấn đề xử lý nợ xấu đó đã tác động tới mua bán nợ xấu của VAMC. Trong mấy tháng đầu năm nay VAMC đã mua được rất nhiều nợ xấu. Hiện nay, tôi được biết số lượng nợ xấu các TCTD đăng ký bán cho VAMC rất lớn.
Trở lại câu chuyện mua Ngân hàng giá 0 đồng, vẫn có trăn trở rằng hình thức này đã ảnh hưởng tới lợi ích của cổ đông nhỏ lẻ. Quan điểm của ông thế nào?
Phải khẳng định với nhau rằng, muốn trở thành cổ đông thông qua mua cổ phiếu của một TCTD hay một tổ chức sản xuất kinh doanh bất kỳ nào thì người mua cũng phải có sự hiểu biết nhất định về TCTD hay doanh nghiệp đó, phải có trách nhiệm với đồng tiền đầu tư của mình. Còn nếu muốn đầu tư an toàn thì chúng ta có thể chọn kênh gửi tiền tiết kiệm vào hệ thống TCTD để hưởng lãi. Quy luật thị trường là khi nhà đầu tư muốn hưởng lãi cao, bao giờ đi liền cũng là rủi ro và đòi hỏi trình độ hiểu biết nhất định.
Không phải chúng ta không có các quy định trong Luật về bảo vệ cổ đông. Chúng ta đã cho phép các cổ đông nhóm lại với nhau và cử ra một người đại diện trong hội đồng quản trị. Trên thế giới cũng thế, đã chấp nhận đầu tư vào lĩnh vực nào thì nhà đầu tư đều hiểu đầu tư đó có phù hợp và họ phải có trách nhiệm bảo vệ đồng tiền của chính mình. Vấn đề là nhà đầu tư có tham gia đại hội cổ đông và phân tích được hoạt động kinh doanh của NH để bảo vệ quyền lợi của mình không. Nhà đầu tư có dám bỏ tiền ra thuê người phản biện hay chỉ nhìn thấy chia lợi nhuận 17-18%/năm thì nhắm mắt lại, để ban điều hành làm bất cứ điều gì chỉ để có lợi nhuận cao thôi. Nhìn nhận vấn đề này phải rất sòng phẳng và theo nguyên tắc thị trường.
Vấn đề sở hữu chéo cũng được xã hội quan tâm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, sở hữu chéo không phải là xấu, nếu nó hoạt động theo đúng khuôn khổ pháp luật?
Sở hữu chéo là chuyện đã xảy ra và sẽ xảy ra trong nền kinh tế thị trường. Có thể lấy mô hình tập đoàn và công ty tài chính của Nhật Bản làm ví dụ, doanh nghiệp sở hữu NH và hầu như tất cả các tập đoàn lớn của Nhật Bản đều có NH đứng sau lưng. Nhưng vì sao người ta không lo sở hữu chéo? Bởi vì nó hoạt động đúng nguyên tắc thị trường như tỷ lệ vay vốn, tỷ lệ huy động vốn, tỷ lệ đầu tư vào doanh nghiệp là bao nhiêu được quy định rất rõ ràng và có cơ quan thẩm định các dự án đầu tư. Nếu đó là dự án đầu tư (như đầu tư vào các dự án phát minh, sáng chế) có độ rủi ro cao thì họ phải lập ra quỹ đầu tư rủi ro. Lúc đó, lãi suất cho vay với dự án này không chỉ 10%/năm mà có thể lên tới mức 30-40%/năm... Còn với chúng ta thì do NH thương mại còn lẫn chung với NH đầu tư nên mới có sự lo ngại về sở hữu chéo.
Hơn nữa, xử lý sở hữu chéo không nên đặt vấn đề ảo tưởng là tuyệt đối hóa, mà chúng ta chỉ chống sở hữu chéo vì lợi ích nhóm, làm hại cho số đông và ảnh hưởng không tốt cho nền kinh tế. Còn những trường hợp sở hữu chéo để hỗ trợ phát triển kinh tế, giúp giảm giá thành đầu vào thì quá tốt.
Khi NH Nhà nước ban hành Thông tư số 36/2014/TT-NHNN Quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài là nhằm hạn chế sở hữu chéo vì lợi ích nhóm và làm cho tài sản góp vào NH là thực chứ không phải tài sản ảo.
Theo ông, sau giai đoạn 1 thực hiện tái cơ cấu, hệ thống các TCTD sẽ có diện mạo thế nào?
Hệ thống các NH thương mại sẽ hình thành đội ngũ giao dịch viên chuyên môn hóa hơn, khắt khe hơn trong các khoản cho vay, nhưng tiếp cận nguồn vốn dễ hơn. Sau khi hình thành những NH lớn, sức hút bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tốt hơn, từ đó nâng cao năng lực quản trị, chất lượng của hệ thống. Có thể ví dụ, khi Vietcombank bán cổ phần cho NH Mizuho (Nhật Bản) thì NH này đã đem theo phương thức quản trị mới vào, đưa Vietcombank phát triển.
Tái cơ cấu các TCTD cho chúng ta diện mạo hệ thống NH mới nhưng cũng có những áp lực. Năm 2016, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức ra đời, chúng ta hội nhập với khu vực mạnh hơn. Nhưng các nghiệp vụ mang lại giá trị gia tăng cho hoạt động NH sẽ được các NH trong khu vực sẵn sàng triển khai một cách ồ ạt và nó cũng sẽ đẩy các TCTD của chúng ta vào thế cạnh tranh mạnh mẽ hơn.
Xin cảm ơn ông!