Tái cơ cấu nền kinh tế: Không thể bỏ qua yếu tố thị trường
(Tài chính) Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định sau hơn 3 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế như: kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát được kiềm chế, cán cân thương mại được cải thiện... song một mô hình tăng trưởng mới trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã được nhiều chuyên gia đưa ra.
Đó là nội dung chính tọa đàm “Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế” do Ban Kinh tế Trung ương, Kiểm toán Nhà nước và Báo Nhân Dân vừa tổ chức tại Hà Nội.
Phát triển theo chiều sâu
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đình Ân, hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế đã làm được một số việc nhưng nhìn chung mới chỉ dừng lại ở bước thủ tục và chuẩn bị, nhiều đề án chưa làm được. “Chúng ta mới làm được một thiết kế tổng quát nhưng thành một đề cương chi tiết, định lượng thì chưa đầy đủ”- ông Ân nhận xét.
GS. Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam đánh giá: “Thể chế chưa coi trọng khu vực tư nhân trong nền kinh tế thị trường khiến nền kinh tế mất dần động lực, cơ cấu ngành kinh tế trì trệ. Bên cạnh đó các vùng kinh tế phát triển còn thiếu sự phối hợp, bị chia cắt, nên không tạo ra sức mạnh tổng thể. Còn TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển- Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn: Chúng ta đang phát triển theo mô hình chiều rộng và mô hình này đến nay đã được ‘tận khai’, không còn mấy dư địa cả về nguồn lực động lực để tiếp tục phát triển.
Trước thực tế này, một mô hình mới cho tăng trưởng kinh tế gắn với tái cơ cấu nền kinh tế đã được đưa ra. TS. Lưu Bích Hồ nhận định: Nên chọn con đường phát triển kinh tế dựa trên tri thức mới, tức là chuyển sang phát triển theo chiều sâu, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Trong đó tính bền vững phải được ưu tiên hàng đầu.
Những bước đi cụ thể
Hiện nay chúng ta mới tập trung vào 3 trọng điểm tái cơ cấu là doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư công, hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng, thực chất mới chỉ là đang tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trước mắt, để ổn định kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện lấy lại đà tăng trưởng, thực hiện được bước đầu khởi động tái cơ cấu. Vấn đề và nội dung cốt lõi của việc tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng đang còn ở phía trước. Đó là đưa cơ cấu kinh tế chuyển sang một cấp độ mới với những yếu tố chiều sâu chiếm vị trí chi phối.
TS. Lê Đình Ân cho rằng, vừa qua, tăng trưởng kinh tế của chúng ta chủ yếu dựa vào vốn và giá rẻ, nếu không có những giải pháp đột phát thì chỉ đến cuối 2015 tăng trưởng của Việt Nam sẽ chững lại. Vì thế, thiết kế lại mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc các ngành và vùng lãnh thổ cùng với tái cấu trúc đầu tư công là các bước đi cần phải làm ngay. “Đặc biệt, tái cấu trúc kinh tế phải được gắn chặt, và tiến hành song song, đồng bộ với việc xây dựng một cơ chế thị trường hiện đại”- ông Ân đề xuất.
Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư bày tỏ: Cần bàn đến vai trò của Nhà nước với kinh tế thị trường, quá trình tái cơ cấu và và đổi mới cần dứt khoát phải chuyển đổi sang kinh tế thị trường một cách đầy đủ.