Tái cơ cấu ngành lúa gạo, tạo chuỗi sản xuất bền vững
(Tài chính) Làm gì để nâng cao chất lượng, nâng tầm thương hiệu hạt gạo Việt Nam, để hạt gạo Việt không phải gian nan tìm đầu ra? Đó là câu hỏi không mới nhưng vẫn chưa có câu trả lời. Tuy nhiên, nguyên nhân chính đã được chỉ ra là sự mất cân đối cung cầu giữa sản xuất và tiêu thụ.
Trăn trở vùng trọng điểm lúa của cả nước
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm sản xuất lương thực của cả nước. Ngoài thế mạnh về lúa với diện tích canh tác khoảng gần 1,8 triệu ha lúa, diện tích gieo trồng hơn 3,8 triệu ha, chiếm 54,82% cả nước, sản lượng lương thực hàng năm đạt 24,92 triệu tấn, chiếm 56,63% sản lượng cả nước, vùng ĐBSCL còn là vùng tạo ra 60% sản lượng thuỷ sản xuất khẩu, hơn 300.000 ha cây ăn trái tạo ra sản lượng hơn 3,18 triệu tấn..
Trong những năm qua, năng suất, sản lượng lúa ở ĐBSCL tăng hàng năm. Đến năm 2013, Việt Nam xuất khẩu đạt trên 6,5 triệu tấn gạo trở thành nước có sản lượng đứng đầu thế giới, trong đó đóng góp lớn thuộc về ĐBSCL. Nhưng, tại khu vực này, tới nay cơ cấu gieo trồng là 45% giống chất lượng gạo thấp (IR 50404, OM 576), 35% giống chất lượng gạo trung bình và chỉ 20% giống chất lượng gạo cao cấp, khiến giá trị gạo Việt Nam không cao. Cùng đó tồn tại nhiều năm là việc thương lái phân phối lưu thông 90% sản lượng gạo. Chính vì vậy mà lợi nhuận của người nông dân bị cắt xén, chưa thể đảm bảo 30% lãi.
Hiện nay, vùng ĐBSCL có đến 12 cây, con có năng suất cao nhất nước nhưng đời sống nông dân vẫn chưa chuyển biến mạnh. Đa số nông dân đến nay vẫn còn nghèo. Bên cạnh đó, tình hình cơ giới hoá sản xuất vẫn khó khăn nhất là ở khâu sau thu hoạch (gặt, sấy và bảo quản lúa). Những năm gần đây, nông nghiệp vùng ĐBSCL còn chịu tác động của biến đổi khí hậu như hạn cuối vụ; đe doạ bởi tác động lũ, triều cường...
Mới đây, tại hội thảo "Tái cơ cấu ngành lúa gạo” do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NNPTNN) nhận định: Vùng ĐBSCL đang tồn tại 3 vùng sinh thái khác nhau, nên việc canh tác tại các vùng này cần tính toán và định rõ, đồng thời quy chế để phân bổ hạn ngạch xuất khẩu hay đổi theo mức độ sản lượng ở mỗi vùng. Cần quy định rõ phương thức hợp đồng sản xuất và thương mại lúa gạo trong đó ưu tiên 2 loại hình là hợp đồng bao tiêu sản phẩm và hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm, nhằm hạn chế hình thức là mua bán tại chỗ và nông dân làm thuê cho DN.
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn dự báo xuất khẩu lúa gạo năm 2014-2015 của Thái Lan sẽ tăng mạnh, trong khi đó xuất khẩu Việt Nam và Mỹ chỉ tăng trưởng nhẹ. Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn tăng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhập khẩu của các thị trường truyền thống là Philippines, Malaysia, Indonesia không ổn định. Đó là những khó khăn buộc chúng ta phải đối mặt.
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn dự báo xuất khẩu lúa gạo năm 2014-2015 của Thái Lan sẽ tăng mạnh, trong khi đó xuất khẩu Việt Nam và Mỹ chỉ tăng trưởng nhẹ. Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn tăng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhập khẩu của các thị trường truyền thống là Philippines, Malaysia, Indonesia không ổn định. Đó là những khó khăn buộc chúng ta phải đối mặt.
Giải pháp bền vững cho đầu ra nông sản
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cái khó của tiêu thụ lúa gạo vùng ĐBSCL hiện nay ngoài khó khăn về thị trường tiêu thụ và những thay đổi thất thường của khí hậu thì còn bị vướng ở chỗ chính sách tạm trữ. Cùng đó, ở các cánh đồng mẫu lớn, DN tham gia đầu tư cho nông dân chưa cao. Năng lực hợp tác xã và hệ thống cung ứng dịch vụ nông nghiệp cũng còn hạn chế.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Cây lương thực, thực phẩm (Cục Trồng trọt Bộ NNPTNT) nhấn mạnh: Chúng ta cần tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng gia tăng giá trị, sử dụng có hiệu quả hơn đất canh tác lúa. Để làm được điều này, trước hết cần cải thiện cơ cấu giống lúa chất lượng cao được thị trường thế giới chấp nhận. Bên cạnh đó phải tập trung cải tiến kỹ thuật canh tác theo hướng VSATTP, áp dụng theo các hình thức GIP để thỏa mãn yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính.
Theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn: Các chính sách để tái cơ cấu ngành lúa gạo ĐBSCL bao gồm: Đẩy mạnh gắn kết với DN chế biến xuất khẩu gạo với nông dân và vùng nguyên liệu; tập trung hỗ trợ cho vùng chuyên canh phục vụ xuất khẩu; ứng dụng khoa học công nghệ và kĩ thuật tiên tiến để tăng năng suất và giá trị của ngành hàng lúa gạo; thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp; phát triển thị trường xuất khẩu mới như Nam Mỹ, châu Phi, Trung Đông; tăng sản lượng gạo chất lượng cao; đầu tư xây dựng thương hiệu; giảm xuất khẩu tiểu ngạch, tăng xuất chính ngạch. Cùng đó, phải nâng cao năng lực HTX.
Còn theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NNPTNT TP. Cần Thơ, tái cơ cấu ngành lúa gạo suy cho cùng là nhằm nâng cao giá trị gia tăng, và cải thiện thu nhập cho người nông dân. Cụ thể như ở huyện Thới Lai, Vĩnh Thạnh, đã chuyển đổi một số diện tích đất lúa sang trồng màu và thủy sản. Đây là cách để giảm bớt sản lượng lúa trong thời kỳ tiêu thụ khó khăn, đồng thời mở rộng lợi thế của từng vùng đối với nhiều loại nông sản khác…
Nhìn chung, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, tái cơ cấu ngành lúa gạo phải nhìn từ tổng quan, nghiên cứu chuỗi liên kết, đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, có chính sách quản lý, điều hành chuỗi giá trị, tăng thu nhập cho người dân. Trước hết, cần có sự liên kết vùng, chứ không thể mạnh ai nấy làm, phải phân tích thị trường, tổ chức sản xuất hợp lý, xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức lại "đường đi” của lúa.
Tuy nhiên, tái cơ cấu ngành lúa gạo vùng ĐBSCL ngoài việc chú trọng đến tiêu chí đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu thì đích đến rất cơ bản là làm sao nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và canh tác bền vững.