Tái diễn tình trạng ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn


Lãi suất cho vay ngắn hạn hiện chỉ còn 6%-6,5%/năm nhưng doanh nghiệp vẫn than phiền có nhiều rào cản khi tiếp cận tín dụng, trong khi ngân hàng cho rằng rất khó tìm khách hàng vay vốn.

Doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận tín dụng ngân hàng do thiếu tài sản thế chấp.
Doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận tín dụng ngân hàng do thiếu tài sản thế chấp.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tháng 1/2024, tín dụng giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Trong đó, nhóm ngân hàng liên doanh ghi nhận tín dụng giảm mạnh nhất, ở mức 3,41%; ngân hàng 100% vốn nhà nước giảm 2,2%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước giảm 0,88%; nhóm thương mại cổ phần giảm 0,51%; nhóm ngân hàng nước ngoài giảm 0,32%.

Doanh nghiệp cạn vốn, hết tài sản thế chấp

Báo cáo của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa gửi tới Thủ tướng trong tháng 1/2024 lo ngại: “Đơn hàng có vẻ tăng lên, nhưng doanh nghiệp đã cạn nguồn vốn, hết tài sản thế chấp để vay thêm, khó khăn lại lặp lại: Không có tiền để sản xuất”.

Kết quả khảo sát doanh nghiệp của Ban IV cho thấy, doanh nghiệp đang kiệt sức là sự thật. Dù đơn hàng đang bắt đầu khởi sắc, song khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp trong năm 2024 vẫn ở mức đáng lo. Trong đó, nhóm doanh nghiệp ngành xây dựng có đánh giá bi quan nhất (điểm trung bình chỉ đạt 2,16/5). Còn doanh nghiệp trong ngành công nghiệp và nông, lâm nghiệp, thủy sản đánh giá triển vọng tiếp cận vốn cao nhất, nhưng điểm số vẫn chỉ ở mức 2,34 - mức tiêu cực. Và nếu tiếp cận vốn khó khăn, doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì, cũng như phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy vậy, theo các doanh nghiệp, một trong các lý do khiến tín dụng suy giảm là ngân hàng và doanh nghiệp không gặp được nhau. Doanh nghiệp vẫn cần vốn, song không thể tiếp cận tín dụng ngân hàng do thiếu tài sản thế chấp.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản nêu loạt vấn đề về tài sản thế chấp cần thay đổi, như bất động sản thế chấp bị định giá thấp, các ngân hàng không nhận thế chấp bằng cổ phiếu, máy móc thiết bị, quyền tài sản... Vị này cũng đề nghị các nhà băng không phong tỏa những khoản tiền đặt cọc khi nhận chuyển nhượng dự án.

Ngoài ra, các doanh nghiệp bất động sản cho rằng các ngân hàng còn giữ tâm thế thận trọng với lĩnh vực bất động sản, hạn chế "room" tín dụng, có xu hướng ưu tiên lựa chọn khách hàng có tài sản thế chấp.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cho biết, hiện nay, các ngân hàng vẫn thẩm định, đánh giá các khoản vay bằng tài sản thế chấp thay vì đánh giá tính hiệu quả của dự án kinh doanh. Điều này làm cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không dễ tiếp cận nguồn vốn do không đủ các điều kiện vay vốn thế chấp.

Trước thực tế trên, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh kinh tế dự báo còn nhiều khó khăn, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME) cho hay, các doanh nghiệp mong muốn cắt giảm điều kiện vay vốn và tăng tỷ lệ vay tín chấp lên mức cao nhất. Hiện, tỷ lệ vay vốn tín chấp chỉ chiếm 15-20%, doanh nghiệp mong muốn được vay tín chấp đến 35%, phần còn lại là tài sản bảo đảm.

Về điều kiện cho vay, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, ngân hàng có thể giảm bớt đến 50% số điều kiện cho vay, chỉ giữ lại những điều kiện cho vay cơ bản.

Ngân hàng thận trọng cho vay để kiểm soát nợ xấu

Các ngân hàng cũng thừa nhận, sau Tết Nguyên đán, tiền được gửi vào ngân hàng rất nhiều. Nguồn vốn ngân hàng rất dồi dào, nhưng ở chiều ngược lại cho vay ra lại khó. Nguyên nhân là do cầu vốn của nền kinh tế yếu, sản xuất - kinh doanh chậm phục hồi, đầu ra khó khăn dù ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1%/năm, nhưng doanh nghiệp không mặn mà vay vốn.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank thông tin, tín dụng bất động sản tiêu dùng giảm vì kinh tế khó khăn, thu nhập người dân giảm sút, thị trường bất động sản trầm lắng. Các dự án được cấp phép cả năm 2023 và tháng đầu tiên năm 2024 giảm. Bên cạnh đó là những khó khăn liên quan đến pháp lý làm chậm tiến độ triển khai dự án mới.

"Bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, đứt gãy chuỗi kinh tế toàn cầu. Tỷ trọng dư nợ ngắn hạn bán buôn có yếu tố thời vụ phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa theo đó cũng giảm, trong khi đây là nhóm khách hàng quan trọng của Vietcombank, khiến cho tăng trưởng tín dụng chậm lại”, ông Tùng nói.

Lãnh đạo các ngân hàng khẳng định dù cần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, song các ngân hàng cũng thận trọng cho vay để kiểm soát rủi ro nợ xấu, không thể đẩy mạnh cho vay bằng mọi giá.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, room tín dụng năm 2024 không còn là vấn đề, dư địa cho vay nhiều nhưng quan trọng là ngân hàng phải kiếm được khách hàng tốt để cho vay.

Trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng gia tăng, đòi hỏi ngân hàng tăng cường kiểm soát rủi ro, nhất là đối với tín dụng tiêu dùng.

Ông Trần Long, Phó tổng giám đốc BIDV cho hay: “Năng lực tài chính của doanh nghiệp giảm sút. Nhiều doanh nghiệp xăng dầu, điện đối mặt với pháp lý. Các khoản nợ cơ cấu đến hạn 2024, 2025 nên áp lực trả nợ rất lớn, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có nguy cơ tăng theo. Doanh nghiệp có năng lực tài chính yếu nên việc xem xét cấp tín dụng sẽ gặp khó khăn".

Đánh giá về triển vọng tăng trưởng tín dụng năm 2024, đại diện các ngân hàng cho rằng khả năng hấp thụ vốn sẽ tăng chậm. Bởi lẽ, tổng cầu thế giới và trong nước phục hồi chậm; năng lực tài chính của các doanh nghiệp vẫn đang suy giảm, khả năng chống chịu kém. Trong khi đó, áp lực nợ xấu đối với các ngân hàng trong năm 2024 là rất lớn; bộ đệm dự phòng rủi ro nợ xấu đang mỏng đi nên các ngân hàng sẽ thận trọng trong việc cấp tín dụng.

Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn