Ngân hàng Nhà nước không còn lý do để điều chỉnh lãi suất điều hành?
Với tốc độ của các hoạt động kinh tế đang được cải thiện và tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống dưới mức mục tiêu, giới phân tích và các ngân hàng mong muốn Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất tái cấp vốn ổn định trong năm 2024 để hỗ trợ tăng trưởng phục hồi.
Sau những nhận định của các chuyên gia, công ty phân tích thị trường, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú mới đây cũng khẳng định NHNN chưa có ý định tăng hay giảm lãi suất điều hành trong những tháng đầu năm khi tình hình kinh tế đang có xu hướng tích cực.
NHNN tiết lộ xu hướng điều hành chính sách lãi suất
Lãnh đạo NHNN cho hay: “Các ngân hàng thương mại mong muốn chính sách lãi suất, chính sách tiền tệ ổn định là rất đúng. Lãi suất ổn định, tỷ giá ổn định là mong muốn của cả nước, 100 triệu dân chúng ta mong muốn. NHNN có vai trò trách nhiệm lớn trong điều hành làm sao ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định lãi suất, ổn định tỷ giá”.
Sự ổn định này, theo Phó Thống đốc, sẽ được thưc hiện trong quá trình điều hành rất linh hoạt và trong nhiều năm qua có những lúc khó khăn song tỷ giá được giữ tốt, lãi suất cơ bản là đúng định hướng.
Năm nay, các chuyên gia cho rằng kinh tế thế giới dự báo tiếp tục khó khăn dưới tác động của điều kiện tài chính thắt chặt, xung đột địa chính trị, rủi ro tài chính gia tăng, lạm phát toàn cầu dự kiến tiếp tục xu hướng chậm lại nhưng vẫn cao hơn mục tiêu tại nhiều nước trong bối cảnh rủi ro các cuộc khủng hoảng năng lượng, lương thực, thực phẩm do tác động của cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn…
Trong nước, các hoạt động kinh tế đang được cải thiện và tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống dưới mức mục tiêu. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với các thách thức khi cầu thế giới dự kiến vẫn tăng thấp, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 được nhiều tổ chức quốc tế dự báo thấp hơn năm 2023, tác động đến hoạt động thương mại, đầu tư và các ngành sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo…
"Do đó, những tháng đầu năm nay, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế", đại diện NHNN khẳng định.
Theo NHNN, đến 31/1/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.
Đặc biệt, để tạo thuận lợi cho khách hàng vay vốn, mới đây, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo tình hình công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân.
Đối với việc công bố lãi suất cho vay bình quân, ông Tú cho rằng kỷ cương điều hành, theo chỉ đạo là ngân hàng phải thực hiện dù chưa có chế tài. Ngân hàng nào không thực hiện công khai việc này thì NHNN, người dân, doanh nghiệp sẽ đánh giá. “Việc công bố lãi suất cho vay bình quân thì gì mà ngại, có gì khó khăn. Đây là lãi suất cho vay bình quân chứ không phải là cho vay theo từng đối tượng, từng doanh nghiệp, khách hàng đâu. Việc công bố lãi suất cho vay là để tạo sự cạnh tranh bình đẳng”, ông Tú nhấn mạnh.
Tiếp tục giảm lãi suất cho vay
Lãi suất điều hành được giữ ổn định mức 4,5% trong năm nay cũng là kỳ vọng của các chuyên gia và công ty phân tích thị trường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn rẻ.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Ngoại hối, Thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán HSBC Việt Nam, cho biết để giải quyết những lo ngại về tăng trưởng, một loạt biện pháp hỗ trợ thông qua chính sách tiền tệ và tài khóa đã được triển khai. NHNN đã hạ lãi suất điều hành trong năm qua, góp phần định hướng mặt bằng lãi suất thấp hơn, hỗ trợ định giá tốt hơn cho chứng khoán.
Ngoài ra, các dấu hiệu tích cực về việc lạm phát có khả năng được kiểm soát, cũng như triển vọng kinh tế đang cho thấy đà hồi phục nhất định. HSBC kỳ vọng NHNN sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,5% cho đến năm 2024.
Bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB, cũng cho rằng với tốc độ của các hoạt động kinh tế đang được cải thiện và tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống dưới mức mục tiêu, khả năng cắt giảm lãi suất tiếp theo đã giảm xuống. Thực tế, Chính phủ đã chuyển trọng tâm sang các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%, thay vì dự báo cắt giảm 100 điểm cơ bản trước đó.
Ổn định lãi suất điều hành cũng là mong muốn của các ngân hàng. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho hay: Trong thời gian tới, Vietcombank rất mong muốn NHNN tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ ổn định như trong năm 2023, vượt qua rất nhiều cơn gió ngược trong nước lẫn thế giới. Đây là một yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư trong nước, ngoài nước, ổn định tâm lý cho nhà đầu tư, kể cả trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia từ SSI Research, vẫn còn dư địa để nhà quản lý thực hiện thêm một đợt cắt giảm lãi suất chính sách nữa vào năm 2024. Nguyên nhân là hoạt động kinh tế vẫn chưa quay trở lại xu hướng tăng trưởng tiềm năng, chưa kể đến việc 2024 sẽ là năm đột phá cho kế hoạch trung hạn 2021-2025.
Dù vậy, các chuyên gia SSI cho rằng, lãi suất tiền gửi sẽ khó tiếp tục giảm mạnh, dự báo lãi suất tiền gửi 12 tháng cuối năm 2024 khoảng 5,5%, tăng 50 điểm cơ bản so với 2023. Trong khi lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại có thể có khả năng giảm thêm 50 - 100 điểm cơ bản trong nửa đầu năm 2024.
Mục tiêu của chính sách tiền tệ có thể vẫn tiếp tục hướng tới các đối tượng cụ thể, ngành nghề ưu tiên… trong khi vẫn kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý (14 - 15%) nhằm đạt được mức tăng trưởng tối ưu và tiềm năng nợ xấu gia tăng, đồng thời kiềm chế lạm phát. Việc lạm phát được kiểm soát tốt sẽ tạo dư địa rộng rãi hơn cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Liên quan đến lãi suất cho vay, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng đã yêu cầu các ngân hàng tiếp tục giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục để giảm lãi suất cho vay. “Vẫn phải tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Tất nhiên việc giảm lãi suất là quyền của các ngân hàng thương mại. Nhưng ngân hàng không thể để chênh lệch quá lớn giữa lãi suất đầu vào với lãi suất đầu ra. Cái đó mới tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn” ông Tú nói.