Tái khởi động nền kinh tế...

Theo daibieunhandan.vn

Hiện nay, nước ta chuyển hướng chiến lược từ “zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đặc biệt, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128 hướng dẫn tạm thời Quy định thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong đó có nội dung quan trọng là chấm dứt tình trạng thực hiện không thống nhất của các địa phương đã tạo tiền đề quan trọng để phục hồi, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cần có các chính sách cụ thể và hiệu quả hơn nữa để kích thích, tái khởi động nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đây là vấn đề không chỉ đến bây giờ mới được đặt ra mà tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương sớm có chính sách kích thích nền kinh tế.

Lý do là bởi nhiều địa phương vừa phải trải qua thời gian dài giãn cách xã hội, kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ở bình diện chung của cả nước, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III đã giảm tới 6,17% dẫn tới GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, trong 9 tháng qua, chỉ có 85.000 doanh nghiệp được thành lập mới trong khi số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 90.000 doanh nghiệp, chưa kể số lượng rất lớn các doanh nghiệp dù đã rút khỏi thị trường nhưng chưa thể làm các thủ tục phá sản, giải thể

Đặc biệt, ngay cả các doanh nghiệp đang còn hoạt động, phần lớn cũng đang kiệt quệ. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, có tới 94% doanh nghiệp trong cả nước gặp khó khăn do dịch bệnh; tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, có tới 98% doanh nghiệp thiệt hại nặng nề.

Như vậy, có thể thấy, những thách thức trong những tháng cuối năm, thậm chí sang cả năm 2022 là rất lớn, nhưng với sự chuyển hướng kịp thời và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cộng với tình hình dịch bệnh được kiểm soát tại hầu hết các địa phương nước ta đang đứng trước "cơ hội vàng" để có thể mở cửa thị trường nhằm tái khởi động nền kinh tế. Tuy nhiên, để có thể nắm bắt được cơ hội này, cần đẩy nhanh quá trình mở cửa trở lại kèm theo các giải pháp thiết thực và hiệu quả.

Các giải pháp này, theo các chuyên gia có thể là việc Nhà nước hỗ trợ trực tiếp người dân bằng tiền; giảm thuế, giảm chi phí sản xuất sản phẩm dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp hoặc Nhà nước đứng ra mua sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp.

Thực tế, với hai nhóm giải pháp đầu, Quốc hội, Chính phủ đã có các nghị quyết hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giãn thời hạn nộp thuế, giảm thuế, phí; hạ lãi suất, cơ cấu thời hạn trả nợ ngân hàng... Với nhóm giải pháp cuối cùng, Chính phủ đã đẩy mạnh đầu tư công, qua đó thu hút các nguồn lực trong xã hội, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và tạo việc làm cho người lao động.

Mở cửa, phục hồi nền kinh tế là yêu cầu, đòi hỏi tất yếu, nhưng để thực hiện được, các kế hoạch cần phải được xây dựng cụ thể và phải dựa trên 3 trụ cột là đầu tư công, tăng cường xuất khẩu, tăng tiêu dùng và dân cư. Phải tạo ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn.

Đặc biệt, theo Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Kinh tế của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Đình Thiên, để có phản ứng chính sách tốt ở cả tầm vĩ mô và vi mô, phải nhận diện đúng và rõ điểm yếu của các yếu tố, các khâu cơ bản liên quan đến sự vận hành của nền kinh tế thị trường như một hệ thống liền mạch quốc gia chứ không phải như một tổng số rời rạc của mấy chục nền kinh tế “sứ quân”.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp có thể “đứng thẳng dậy”, xốc tới chứ không phải “lom khom hồi phục”...