Tỉnh Bến Tre:
Tập trung phát triển các ngành kinh tế biển
Cách đây 60 năm, sự kiện mở đường Hồ Chí Minh trên biển và “Đoàn tàu không số” xuất phát tại bến A101, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú đã làm nên huyền thoại trong lịch sử đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre nói riêng và cả nước nói chung. Giá trị và sức mạnh to lớn ấy đến hôm nay vẫn tiếp tục được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Tre luôn tự hào, tôn vinh và hướng về, mà cụ thể là trong chiến lược phát triển Bến Tre về hướng Đông.
Kế thừa và đột phá trong chuyển đổi tư duy
Việc tiếp thu và triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã tạo ra bước chuyển mới; tiềm năng, lợi thế kinh tế biển của địa phương được phát huy; tài nguyên biển được khai thác, sử dụng hiệu quả.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Bến Tre xác định định hướng phát triển của Bến Tre là hướng Đông. Đây được xem là tư duy mang tính đột phá, dựa trên sự kế thừa những giá trị to lớn trong lịch sử. Đồng thời, nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển của ba huyện duyên hải.
Với lợi thế bờ biển dài 65km, kinh tế biển của tỉnh Bến Tre trong thời gian qua đã có bước phát triển tích cực. Lĩnh vực thủy sản phát triển mạnh. Diện tích nuôi tôm biển 41.200ha, trong đó nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh 11.030ha.
Diện tích nuôi tôm công nghệ cao 1.650ha. Sản lượng 70.280 tấn/năm. Khai thác thủy sản được quan tâm đầu tư, với 2.132 tàu đánh bắt xa bờ, sản lượng đạt 210 ngàn tấn/năm. Tỉnh đã đầu tư xây dựng 3 cảng cá tại các huyện biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú.
Du lịch sinh thái vùng ven biển phát triển khá nhanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là 3 huyện ven biển. Năng lượng tái tạo thu hút được nhiều nhà đầu tư với quy hoạch phát triển 1.008MW điện gió, hiện đang đầu tư 6 dự án với công suất 180MW. Tỷ lệ đô thị hóa khu vực ba huyện biển cao hơn mặt bằng chung của tỉnh (26/20%). Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trên biển và vùng ven biển giữ vững ổn định.
Tuy nhiên, kinh tế biển và vùng ven biển chưa được khai thác và phát huy đúng mức; chưa tạo động lực tăng trưởng toàn diện đưa quy mô nền kinh tế của tỉnh đi kịp các tỉnh. Tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế và đời sống người dân ngày càng nghiêm trọng, cần có sự thay đổi về tư duy, nhận thức và định hướng phát triển trong bối cảnh thích ứng mới.
Phát triển về hướng Đông
Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 29/1/2021 của Tỉnh ủy về phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đã cụ thể hóa từ việc chuyển đổi về tư duy, khát vọng phát triển Bến Tre, với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
Theo đó, phát triển Bến Tre về hướng Đông nhằm cải tạo cảnh quan biển, mở ra không gian phát triển mới cho địa phương và của khu vực, thúc đẩy liên kết trong toàn vùng; là động lực tạo sự đột phá trong phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát triển Bến Tre về hướng Đông cũng là để khai thác và sử dụng hiệu quả lợi thế kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, ưu tiên tuyến giao thông động lực ven biển và các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, cảng biển - logistics, công nghiệp chế biến - chế tạo, khu đô thị - dịch vụ - du lịch tổng hợp, nông nghiệp giá trị gia tăng cao...
Cụ thể, về thủy sản, đến năm 2025, diện tích nuôi tôm biển đạt 41.500ha, với sản lượng 114 ngàn tấn/năm, trong đó phát triển 4 ngàn ha nuôi tôm công nghệ cao; đến năm 2030, đạt 42 ngàn ha, 150 ngàn tấn/năm, trong đó có 5 ngàn ha tôm công nghệ cao. Sản lượng khai thác hải sản ổn định khoảng 200 ngàn tấn/năm, giá trị sản lượng tăng 30% vào năm 2025 và tăng 60% vào năm 2030 (so với năm 2020).
Về công nghiệp, đến năm 2022, hoàn chỉnh hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận. Đến năm 2024, cơ bản lắp đầy diện tích cho thuê, với các ngành có giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng đất đai và lao động. Triển khai đầu tư các khu, cụm công nghiệp lấn biển. Về năng lượng sạch, đến năm 2025, phát triển ít nhất 1.500MW. Đến năm 2030 phát triển 3.000MW.
Đặc biệt, hạ tầng giao thông - logistics, giai đoạn 2021 - 2025, đầu tư hoàn thành cầu Rạch Miễu 2, hoàn thành giai đoạn 1 tuyến giao thông động lực ven biển liên tỉnh khu vực Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh. Mở rộng quốc lộ (QL) 57 đoạn từ Mỏ Cày Nam đến Khâu Băng, huyện Thạnh Phú; trục giao thông từ QL.60 đi Khu công nghiệp Phú Thuận; đường kết nối Bình Đại - Giồng Trôm - Mỏ Cày Nam; đường giao thông kết hợp đê ngăn mặn Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú và Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú. Bổ sung quy hoạch và thu hút đầu tư 1 cảng nước sâu, chú trọng đầu tư phát triển mạnh giao thông thủy, nâng cấp cảng Giao Long, mỗi khu, cụm công nghiệp xây dựng 1 cảng trung chuyển.
Giai đoạn 2025 - 2030, tỉnh sẽ đầu tư hoàn chỉnh tuyến giao thông động lực ven biển, nâng cấp 3 quốc lộ: QL.60, QL.57B, QL.57C lên cấp III hoặc cấp II đồng bằng. Đầu tư hoàn chỉnh cảng nước sâu và cảng trung chuyển điện khí (LNG), đảm bảo tính kết nối và thông suốt.
Nhiệm vụ trọng tâm
Phát triển Bến Tre hướng ra biển theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, lâu dài của cả hệ thống chính trị. Yêu cầu về thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của hệ thống chính quyền. Huy động mọi nguồn lực thực hiện đạt mục tiêu đề ra; cũng như tuyên truyền, nâng cao nhận thức và sự đồng thuận của tất cả người dân địa phương.
Thạnh Phú là một trong 3 huyện ven biển của tỉnh. Có bờ biển dài nhất tỉnh với 25km và đang có nhiều lợi thế nổi bật trong phát triển du lịch, thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao, điện gió… Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Châu Văn Bình khẳng định: Thạnh Phú xác định trong tương lai phải đi lên từ kinh tế biển, gắn với xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng sạch và du lịch.
Cụ thể, huyện đang tập trung phát triển 1.500ha nuôi tôm biển công nghệ cao. Khu du lịch Di tích đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre đã được tỉnh công nhận là khu du lịch cấp tỉnh, góp phần tạo điều kiện thu hút nguồn lực đầu tư phát triển trong thời gian tới. Huyện đang triển khai các dự án: Nhà máy điện gió số 5 Tân Hoàn Cầu, Nhà máy điện gió Nexif Energy, Nhà máy điện gió Thanh Phong… Trong đó, Nhà máy điện gió số 5 đã chính thức hòa lưới phát điện.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam nhấn mạnh: “Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy mở ra hướng phát triển mới, khai thác đúng tiềm năng, đúng tầm của các địa phương ven biển. Trong tương lai, Bến Tre có giàu lên không, đời sống người dân Bến Tre có khá lên không là hoàn toàn phải bám sát vào cụ thể hóa nghị quyết này”.
Hiện nay, tỉnh Bến Tre đang xin Trung ương chủ trương lập Đề án phát triển khu kinh tế ven biển cho tỉnh dựa trên 3 huyện biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Theo đó, khu kinh tế ven biển là khu vực rất rộng bao gồm phần đất nội địa, ven biển và hướng ra biển. Nhiều dự án sẽ phát triển từ trục này, hoặc là hạ tầng này sẽ phục vụ nhiều dự án khác phát triển; tạo động lực dẫn dắt cho các dự án khác.