Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Điều kiện bảo đảm quyền lợi cho người tham gia
Do thường xuyên tiếp xúc với điều kiện lao động không tốt như khói, bụi, chất độc, tiếng ồn… khiến nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp (BNN) gia tăng cũng như rủi ro trong lao động. Tuy nhiên, người tham gia được hưởng chế độ này như thế nào và điều kiện được hưởng ra sao để đảm bảo quyền lợi cho mình?
Lãnh đạo Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trình tự, hồ sơ giải quyết chế độ BNN đối với người lao động (NLĐ) đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị BNN được quy định tại Điều 10 Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH quy định và hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), BNN bắt buộc.
Theo đó, trong trường hợp NLĐ đã nghỉ hưu, thôi việc mà còn trong thời gian bảo đảm, người lao động gửi hồ sơ sức khỏe cá nhân đến cơ sở khám BNN để khám phát hiện BNN. Sau khi có kết quả khám thì cơ sở khám BNN hoàn thiện hồ sơ cho NLĐ theo quy định của Bộ Y tế.
Đối với trường hợp NLĐ chuyển việc khác không còn làm trong các nghề, công việc có nguy cơ bị BNN mà còn trong thời gian bảo đảm, NLĐ gửi hồ sơ sức khỏe cá nhân đến cơ sở khám BNN để khám phát hiện BNN. Sau khi khám phát hiện bệnh thì NLĐ hoặc người sử dụng lao động nơi NLĐ đang làm việc lập hồ sơ khám BNN trên cơ sở hồ sơ quản lý sức khỏe của NLĐ.
Sau khi hoàn thiện hồ sơ khám BNN, NLĐ chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động hoặc đề nghị đơn vị nơi NLĐ đã từng làm việc hoặc đang làm việc giới thiệu. Khi có kết quả giám định mức suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì gửi hồ sơ theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 37/2016/NĐ-CP đến cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố để giải quyết chế độ BNN. Thời điểm hưởng trợ cấp BNN được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.
Lãnh đạo Cục An toàn lao động ví dụ cụ thể: Ông Nguyễn Văn A có thời gian đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, BNN tại doanh nghiệp B với công việc là công nhân khai thác đá thủ công từ tháng 01/1990 - 6/2016. Từ tháng 7/2016, ông A chuyển sang làm công việc văn phòng và tại thời điểm này bị bệnh bụi phổi silic. Cũng trong tháng 7/2017, ông A được Hội đồng giám định y khoa kết luận bị suy giảm khả năng lao động 20% do bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp. Như vậy, tiền lương tháng làm căn cứ tính khoản phụ cấp theo thời gian đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN đối với trường hợp của ông Nguyễn Văn A được xác định là tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm tại tháng 6/2016; thời điểm hưởng trợ cấp kể từ tháng 7/2017.
Đối với bảo hiểm TNLĐ, tại Điều 40 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định rõ các trường hợp NLĐ không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động khi bị TNLĐ nếu bị tai nạn thuộc một trong các nguyên nhân sau: Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động; do NLĐ cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
Các trường hợp NLĐ không được hưởng chế độ TNLĐ và một số trường hợp cá biệt cũng quy định tại Điều 40 của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015: Đối với trường hợp NLĐ sau khi về hưu mới đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ thì người sử dụng lao động nơi người bị TNLĐ lập thủ tục hồ sơ theo quy định chuyển cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi chi trả lương hưu, và trong trường hợp này hồ sơ không gồm sổ bảo hiểm xã hội. Trường hợp đơn vị đang làm thủ tục giải thể thì Hội đồng giải thể có trách nhiệm lập thủ tục hồ sơ; nếu đơn vị đã giải thể thì cơ quan, đơn vị quản lý cấp trên trực tiếp chịu trách nhiệm lập thủ tục hồ sơ.
Trường hợp NLĐ đồng thời giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà bị TNLĐ, BNN thì đơn vị nơi phân công nhiệm vụ, công việc cho NLĐ khi chịu trách nhiệm lập hồ sơ và đề nghị giải quyết hưởng chế độ TNLĐ, BNN.
Trường hợp đồng thời giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà bị tai nạn trên đường đi từ nơi làm việc của đơn vị này đến nơi làm việc của đơn vị khác được xác định là TNLĐ, thì đơn vị nơi NLĐ đến làm việc được xác định là đơn vị nơi NLĐ bị TNLĐ và người sử dụng lao động của đơn vị đó phải chịu trách nhiệm lập hồ sơ và đề nghị giải quyết hưởng chế độ TNLĐ cho NLĐ.
Với tai nạn do các yếu tố bệnh lý trong quá trình lao động thì căn cứ kết quả điều tra TNLĐ của Đoàn điều tra TNLĐ sau khi được thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt để giải quyết chế độ cho NLĐ.
NLĐ bị TNLĐ, BNN trong thời gian không đăng ký đóng vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN thì người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết quyền lợi đối với người lao động theo Khoản 4 Điều 39 của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN chi trả toàn bộ chi phí khám BNN cho các trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2. |