Tài sản các ngân hàng biến động ra sao trong năm 2018?

Theo Diệp Bình/vietnambiz.vn

Trong nhóm 23 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, tổng tài sản của các ngân hàng tăng 9,4%/năm với BIDV là ngân hàng dẫn đầu về tài sản với hơn 1,3 triệu tỉ đồng. Cơ cấu tài sản có sự chuyển dịch tích cực từ vốn liên ngân hàng sang tín dụng, theo đánh giá của Uỷ ban giám sát tài chính.

Ngành ngân hàng đã có những thành tựu đáng kể với nhiều điểm sáng và bứt phá nhanh về lợi nhuận cùng với kết quả xử lí nợ xấu. Nguồn: Internet
Ngành ngân hàng đã có những thành tựu đáng kể với nhiều điểm sáng và bứt phá nhanh về lợi nhuận cùng với kết quả xử lí nợ xấu. Nguồn: Internet

Thứ hạng về tài sản các ngân hàng trong năm 2018

Khép lại năm 2018, ngành ngân hàng đã có những thành tựu đáng kể với nhiều điểm sáng và bứt phá nhanh về lợi nhuận cùng với kết quả xử lí nợ xấu có bước tiến khả quan.

Cùng với đó, tổng tài sản của các ngân hàng cũng tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên ở mức khiêm tốn do chính sách thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khiến cho tăng trưởng cho vay tại các ngân hàng bị giới hạn.

Khảo sát số liệu từ 23 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính năm 2018, tính đến hết 31/12/2018, tổng tài sản của các ngân hàng này đạt gần 8,8 triệu tỉ đồng (chưa bao gồm hơn 1,3 triệu tỷ đồng của Agribank). So với cuối năm 2017, tổng tài sản của các ngân hàng này đã tăng 9,4%, tương đương gần 0,6 triệu tỷ đồng.

tai san cac ngan hang bien dong ra sao trong nam 2018
Nguồn: DB tổng hợp.

Xét về con số tuyệt đối trong các ngân hàng thống kê, BIDV là ngân hàng có tổng tài sản cao nhất với hơn 1,3 triệu tỷ, tăng 9,2% so với năm trước. Nhóm các ông lớn ngân hàng thương mại Nhà nước nắm giữ TOP 3 đứng đầu về tài sản với VietinBank (1,16 triệu tỷ đồng), Vietcombank (1,07 triệu tỷ đồng). Tài sản của ba ngân hàng này đã chiếm trên 50% tổng tài sản của cả nhóm.

Trong số 23 ngân hàng thì chỉ có duy nhất Saigonbank là có sự sụt giảm về tài sản, giảm từ 21.319 tỉ đồng xuống 20.374 tỉ đồng, giảm 4,4%. Trong đó, cho vay khách hàng của ngân hàng giảm 3,1% và với tỉ trọng chiếm hơn 67%, đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến tài sản của ngân hàng giảm.

Một số ngân hàng có mức tăng trưởng tài sản khá cao, với hai ngân hàng dẫn đầu là VietBank (tăng 24,5%) và MSB (tăng 23,7%). Tiếp đó là các ngân hàng như Techcombank, VietCapitalBank, VPBank, MBBank,... Có thể nhận thấy tại các ngân hàng này, mức độ tăng trưởng của cho vay khách hàng cũng ở mức cao.

Cụ thể, tăng trưởng cho vay tại BIDV đạt 14,1%; VietBank đạt 23,6%; MSB đạt 34,7%; VietCapitalBank (18,6%); VPBank (21,2%); MBBank (16,6%).

Riêng tại Techcombank cho vay khách hàng lại giảm 0,6%. Điều này có thể được giải thích bằng sự chuyển dịch từ cho vay sang tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng trong năm 2018.

tai san cac ngan hang bien dong ra sao trong nam 2018
Tổng tài sản và cho vay khách hàng các ngân hàng (Nguồn: DB tổng hợp).

Theo con số thống kê của NHNN, tính đến 30/11/2018, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng Việt Nam đạt hơn 10,8 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 8,23% so với thời điểm cuối năm 2017. Trong đó, khối các ngân hàng thương mại Nhà nước (gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, GPBank, OceanBank, CBBank) có tốc độ tăng tài sản thấp nhất hệ thống với mức tăng là 5,18%.

Mặc dù nhiều ngân hàng có tăng trưởng tài sản cao nhưng lợi nhuận mang về lại không đạt được như mong muốn như BIDV và VietinBank. Một số ngân hàng có tổng tài sản không quá cao như Techcombank, VPBank, ACB, HDBank nhưng lại có lợi nhuận và tỉ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) khá cao. 

Chuyển dịch trong cơ cấu tổng tài sản các ngân hàng

Xét về cơ cấu của tổng tài sản, khoản mục cho vay khách hàng chiếm tỉ trọng lớn nhất. Trong số 23 ngân hàng khảo sát trên, tỉ trọng cho vay khách hàng chiếm trung bình 62,7% tổng tài sản, tăng so với con số 60,7% của năm 2017.

Nhóm có tỉ trọng cao nhất, trên 70% gồm ba ngân hàng: BIDV (75,3%); PG Bank (73,7%) và ACB (70%).

Trong khi đó, MSB là ngân hàng có tỉ trọng này ở mức thấp nhất 35,1% mặc dù đã có tăng trưởng so với năm trước. Cùng với MSB tại Techcombank và NCB, tỉ trọng này cũng ở dưới mức 50%. Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng, ngoài cho vay khách hàng, tỉ trọng khoản mục đầu tư và tiền gửi, cho vay các tổ chức tín dụng khác cũng chiếm tỉ trọng cao.

Theo báo cáo thị trường tài chính năm 2018 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTC), tổng tài sản các tổ chức tín dụng tăng khoảng 11,5% với cơ cấu tài sản chuyển dịch tích cực. Tỉ trọng dư nợ cho vay tăng và chiếm 61,9% và có sự chuyển dịch từ vốn liên ngân hàng qua tín dụng.