Tài sản của Ngân hàng Trung ương Nhật còn lớn hơn cả nền kinh tế
Sau nhiều năm triển khai chương trình mua tài sản khổng lồ để kích thích nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát, hiện Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (Bank of Japan – BoJ) đang nắm giữ một lượng tài sản khổng lồ, thậm chí còn lớn hơn cả sản lượng kinh tế (GDP) hàng năm của Nhật.
Theo một báo cáo được công bố hôm 13/11, tích trữ tài sản của BoJ hiện đã đạt tới 553,6 nghìn tỷ yên (tương đương khoảng 4,9 nghìn tỷ USD), cao hơn so với con số 552,8 nghìn tỷ yên GDP danh nghĩa của Nhật vào cuối tháng Sáu. Số liệu kinh tế quý III của Nhật sắp được công bố dự kiến sẽ cho thấy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới có thể bị thu hẹp trong thời gian này và điều đó càng khiến cho khoảng cách trên được nới rộng.
Để có một cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này, hãy so sánh với lượng tài sản mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang nắm giữ hiện này chỉ vào khoảng 20% GDP của Mỹ
Để đưa cột mốc vào quan điểm: tài sản của Cục Dự trữ Liên bang chiếm khoảng 20% GDP của Mỹ, trong khi khối lượng tài sản mà Ngân hàng Trung ương châu Âu nắm giữ cũng chỉ bằng khoảng 40% nền kinh tế khu vực đồng euro. Hơn thế, trong khi Fed đã chấm dứt chương trình mua tài sản từ năm 2015, ECB cũng lên kế hoạch chất dứt chương trình mua tài sản vào cuối năm nay; còn BoJ, dù đã giảm đáng kể lượng mua vào trái phiếu Chính phủ Nhật trong thời gian gần đây, song họ vẫn đang tiếp tục mua vào.
Với việc lạm phát mới chỉ đạt một nửa mục tiêu 2% mà cả BoJ và chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đặt ra, có thể thấy trước rằng việc mua vào tài sản của BoJ vẫn sẽ được tiếp tục trong thời gian tới, ngay cả khi tốc độ mua vào có chậm hơn.
Trong khi đó, việc tăng thuế bán hàng dự kiến sẽ chính thức được triển khai vào tháng 10 năm sau, trong khi nhu cầu có thể sụt giảm khi hoạt động xây dựng phục vụ Thế vận hội Tokyo 2020 hoàn tất, có thể sẽ tạo thêm áp lực cho BoJ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và lạm phát của nước này.
Vấn đề đặt ra là việc nắm giữ một lượng tài sản khổng lồ như vậy của BoJ liệu có rủi ro nào không?
Theo Nobuyasu Atago - Kinh tế gia trưởng của Công ty chứng khoán Okasan và là cựu quan chức của BoJ, không có sự đồng thuận về mặt lý thuyết là số tiền nắm giữ của một NHTW lớn thế nào sẽ nguy hiểm. Mặc dù vậy, vẫn có một cảm giác không an lòng khi việc nắm giữ tài sản (của BoJ) ngày càng lớn hơn, dù vẫn chưa rõ mức độ nào thì họ nên dừng lại.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến ngày 10/11, BoJ đã nắm giữ 456 nghìn tỷ yên trái phiếu Chính phủ Nhật, gấp gần 4 lần so với mức tăng từ 125 nghìn tỷ yên khi Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda bắt đầu triển khai chính sách nới lỏng cực khủng đầu tiên hồi tháng 4/2013. Với con số này, hiện BoJ đang nắm giữ tới 42,3% lượng trái phiếu và tín phiếu Chính phủ Nhật Bản đang lưu hành.
“BoJ phải tiếp tục hành trình độc lập mở rộng bảng cân đối kế toán để giữ lãi suất thấp”, Masamichi Adachi - một nhà kinh tế tại JPMorgan Chase & Co. và một cựu quan chức của BoJ cho biết và nhấn thêm rằng, so với Mỹ và châu Âu, Nhật Bản có nhiều việc phải làm hơn để thúc đẩy lạm phát, và một mình chính sách tiền tệ là không đủ.
Để tăng lượng nắm giữ trái phiếu, BoJ phải mua vào nhiều hơn do còn phải bù đắp lượng trái phiếu đáo hạn. Theo ước tính của Yuki Masujima – nhà kinh tế của Bloomberg Economics, lượng trái phiếu mà BoJ đang nắm giữ đáo hạn hàng năm là gần 50 nghìn tỷ yên.
“Chúng tôi không lường trước được bất kỳ thảm họa nào, nhưng khi BoJ đẩy chính sách tiền tệ tiến sâu hơn vào khu vực chưa từng được biết tới, họ có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn”, Masujima nói.
Không ít nhà phân tích khác cũng cảnh báo việc nắm giữ một lượng lớn trái phiếu của BoJ cũng khiến cơ quan này đối mặt với nhiều rủi ro khi giá trái phiếu và khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh. Hơn thế, chính sách tiền tệ cực lỏng và lãi suất thấp cũng đang bào mòn lợi nhuận của các ngân hàng thương mại.
Nhìn về tương lai xa hơn, liệu các thị trường sẽ phản ứng thế nào khi BoJ bắt đầu thu lại các chính sách kích thích tiền tệ khổng lồ của mình. Một cựu quan chức đã lập luận rằng BoJ đang hướng tới một trạng thái tổn thất “bán cố định (semi-permanent)” của bảng cân đối tài sản khi họ thu lại các chính sách kích thích của mình.
“Họ (BoJ) đã bắt đầu để dành tiền”, Harumi Taguchi - nhà kinh tế học chính tại IHS Global Insight Inc. ở Tokyo cho biết. “Về giới hạn số tiền họ có thể nắm giữ, tôi nghĩ BoJ đang thực sự đạt đến giới hạn trên. Số lượng trái phiếu Chính phủ Nhật mới được phát hành đang giảm và tôi không cảm thấy BoJ sẽ tiếp tục mua với tốc độ tương tự ngay cả khi họ sở hữu phần lớn thị trường”.