Nhật rà soát hơn 400 nghìn tài khoản ở nước ngoài ngăn hành vi trốn thuế
Số lượng tài khoản bị điều tra như vậy cao hơn nhiều so với số lượng 9.000 tài khoản mà các công dân Nhật đã tự nguyện báo cáo trong năm 2016.
Cơ quan thuế Nhật (NTA) đang tiến hành thu thập thông tin với khoảng 400 nghìn tài khoản tại khoảng hơn 50 quốc gia của người Nhật để điều tra về tài sản và ngăn hành vi trốn thuế, theo khẳng định của Nikkei trong bài báo mới đây.
Số lượng tài khoản bị điều tra như vậy cao hơn nhiều so với số lượng 9.000 tài khoản mà các công dân Nhật đã tự nguyện báo cáo trong năm 2016 đối với những người đang giữ tối thiểu 50 triệu yên, tương đương 446 nghìn USD, tại nước ngoài. Cơ quan thuế Nhật sẽ xem xét và so sánh giữa 2 bộ dữ liệu thu được nhằm ngăn chặn hành vi che giấu tài sản.
Phía Nhật đã lấy được những dữ liệu trên thông qua việc tham gia vào diễn đàn quốc tế được lập ra với mục đích giảm thiểu tối đa hành vi trốn thuế.
Các diễn đàn trao đổi dữ liệu như trên được lập ra dựa theo tiêu chuẩn công bố toàn cầu, được lập nên bởi Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vào năm ngoái. Cơ quan thuế các nước thành viên có tham gia sẽ yêu cầu các tổ chức tài chính nội địa báo cáo về tài khoản do người nước ngoài nắm giữ, trong đó thông tin yêu cầu bao gồm tên của người sở hữu, địa chỉ, số dư tài khoản cũng như thu nhập thường niên từ lãi suất và cổ tức.
102 nước thành viên tham gia hiện tại bao gồm cả một số nước/vùng lãnh thổ vốn nổi tiếng trong vai trò nơi giấu tài sản cho giới giàu có quốc tế bao gồm Panama hay đảo Cayman. Tuy nhiên Mỹ lại không tham gia.
Để đáp lại những gì nhận được, phía Nhật đã cam kết sẽ cung cấp cho khoảng hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ về thông tin của khoảng hơn 90 nghìn tài khoản người nước ngoài đang mở tại Nhật.
Những năm gần đây, Nhật đã không ngừng thực thi các biện pháp cứng rắn ngăn các cá nhân giàu có trốn thuế. Tổng mức thuế ước tính 4,1 tỷ yên đã được áp dụng sau khi Nhật phát hiện ra 478 trường hợp không khai báo thuế hoặc khai báo sai lệch trong năm kết thúc vào tháng 6/2017.