Tài sản tinh thần vô giá
(Tài chính) Di chúc của Bác Hồ là tài sản tinh thần vô giá, chứa đựng giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Di chúc thể hiện tấm lòng cao cả, tình thương yêu của Người đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân, không chỉ là những lời căn dặn cuối cùng mà còn là văn kiện lịch sử kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp, những nội dung cốt lõi của Tư tưởng Hồ Chí Minh, mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hiện nay và mai sau.
Từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Trở thành Đảng cầm quyền, điều kiện hoạt động và nhiệm vụ chính trị của Đảng thay đổi căn bản: trọng trách của Đảng trước dân tộc nặng nề hơn, phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng không làm thay Nhà nước mà phải tôn trọng, phát huy vai trò của Nhà nước, lãnh đạo xây dựng Nhà nước vững mạnh. Các tổ chức của Đảng và đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật...
Tuy nhiên, khi cầm quyền, Đảng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nguy cơ như sai lầm về đường lối; sự thoái hóa, biến chất, tham nhũng của cán bộ, đảng viên; bệnh quan liêu, xa rời nhân dân, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. Những nguy cơ đó nếu không được phòng ngừa, khắc phục sẽ làm cho dân giảm sút lòng tin vào Đảng, làm cho Đảng suy yếu.
Sinh thời, Bác Hồ đã nhiều lần cảnh báo các nguy cơ đó, theo Người, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là chủ nghĩa cá nhân, là "giặc nội xâm". Cho nên vào cuối đời, nỗi bận tâm lớn nhất của Người vẫn là làm sao "quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng". Vì vậy, trước khi đi xa, Người vẫn tiếp tục căn dặn "mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư" - đó là tiêu chuẩn đạo đức của người cán bộ cách mạng.
Thấm nhuần lời dạy của Người trong Di chúc"Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng", Đảng ta luôn luôn quan tâm, coi trọng công tác xây dựng Đảng. Đảng xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng Đảng, tổ chức nhiều cuộc vận động về xây dựng Đảng, về tự phê bình và phê bình trong Đảng, về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nghị quyết Trung ương 6 (lần II) khóa VIII và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng về công tác xây dựng Đảng đã đặt công tác xây dựng Đảng thành một nhiệm vụ thường xuyên, vừa lâu dài vừa cấp bách.
Song, bên cạnh kết quả đạt được, thì như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã nhận định: "Công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng". Nghị quyết đã thẳng thắn chỉ ra tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp. Để tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng, Nghị quyết yêu cầu phải thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách với bốn nhóm giải pháp, trong đó có các giải pháp mang tính đột phá. Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết, đã tạo được những chuyển biến bước đầu đáng khích lệ.
Trong Di chúc, Bác Hồ không chỉ quan tâm về Đảng mà còn quan tâm về dân, về con người. Người viết: "Đầu tiên là công việc đối với con người". Tư tưởng về DÂN của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấm sâu trong Di chúccủa Người. Đó là tư tưởng thân dân, tin dân, vì dân, trọng dân, gắn bó với dân, "dân là chủ" và "dân làm chủ", "mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân", "cán bộ là công bộc của dân". Vì vậy, Người yêu cầu phải chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phải có chính sách đối với từng tầng lớp nhân dân, từng đối tượng cụ thể (thương binh, gia đình liệt sĩ, nông dân, lực lượng vũ trang, phụ nữ, thanh niên, thiếu niên...), phải có chính sách khoan thư sức dân ("miễn thuế nông nghiệp" cho nông dân) sau khi kết thúc chiến tranh.
Trong những năm đổi mới, Đảng và Nhà nước xác định phát triển kinh tế là trung tâm, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và luật pháp về nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, giải quyết lao động -việc làm, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, ưu đãi người có công với cách mạng, bảo đảm mức tối thiểu về cung ứng một số dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin, đặc biệt quan tâm tới quản lý, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phù hợp với sự phát triển kinh tế. Những thành tựu về phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội của Việt Nam đã được quốc tế đánh giá cao.
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua 45 năm, nhất là gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đó cũng chính là thắng lợi của quan điểm, đường lối, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra trong Di chúcthiêng liêng của Người. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chúng ta phải kiên định vai trò lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, kiên trì đường lối đổi mới, không dao động trong bất kỳ tình huống khó khăn nào. Phải vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế biến đổi của thế giới, coi trọng tiếp thu có chọn lọc những giá trị tinh hoa của văn hóa nhân loại. Phải bám sát thực tiễn đất nước và thế giới, dự báo tình hình, điều chỉnh kịp thời các chủ trương, giải pháp khi tình hình thay đổi, chỉ đạo thực hiện đường lối đổi mới một cách quyết liệt với những bước đi, hình thức, biện pháp phù hợp, hiệu quả.