Tại sao lại cấm cải tạo thành xe giường nằm 2 tầng?
Xuất phát từ “động cơ” tốt khi đề xuất cấm cải tạo xe khách ghế ngồi thành xe giường nằm 2 tầng, tuy nhiên dự thảo quy định này đang nhận ý kiến trái chiều.
Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến cho dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 85/2014/TT-BGTVT quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Trong đó, bổ sung quy định cấm cải tạo xe khách ghế ngồi thành xe giường nằm 2 tầng.
Theo đó, không cải tạo lắp đặt giường nằm loại hai tầng lên xe chở người; không cải tạo tăng kích thước khoang chở hành lý của xe chở người.
Quy định này của Bộ Giao thông vận tải được đưa ra sau vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra cuối tháng 9 vừa qua. Cụ thể, xe giường nằm của nhà xe Thành Bưởi chạy quá 19 km/h so với tốc độ cho phép, vượt ẩu tông vào xe khách 16 chỗ đi hướng ngược lại, khiến 4 người chết. Vụ tai nạn làm rúng động xã hội cũng khui ra nhiều vi phạm, thậm chí coi thường pháp luật của nhà xe này.
Hay như trước đó, vụ va chạm giữa xe giường nằm và xe khách 16 chỗ xảy ra tại thị trấn Sapa, tỉnh Lào Cai. Tuy không có trường hợp tử vong nhưng toàn bộ 13 hành khách trên xe khách 16 chỗ bị thương, trong đó có 2 người bị thương nặng.
Nhìn vào lịch sử các vụ tai nạn giao thông gây nên bởi xe khách liên tỉnh những năm gần đây, không thiếu vụ tai nạn có sự góp mặt của xe giường nằm.
Như vậy, nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, đề xuất cấm cải tạo xe khách ghế ngồi thành xe giường nằm 2 tầng của Bộ Giao thông vận tải là nhằm hạn chế các vụ tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn cho hành khách di chuyển bằng loại phương tiện này.
Tuy nhiên, đề xuất này của Bộ Giao thông vận tải cũng nhận được ý kiến trái chiều, không phải đến từ các cơ quan chức năng mà đến từ người dân, những người đã sử dụng xe giường nằm 2 tầng.
Không ít người dùng khá bức xúc: “Người ta không có tiền đi máy bay, tàu hoả mới đi xe giường nằm”. Hay “đi từ Bắc vào Nam bắt ngồi ghế? Ra cái quy định gì đúng một tí, ngồi ghế cả ngày ai chịu cho nổi. Ngồi ghế rồi say xe ói ra mật xanh mật vàng, xe giường nằm đỡ say xe”.
Thậm chí, có người bày tỏ khá gay gắt: “Làm ông to bà lớn có ô tô đi sướng quá rồi nghĩ ra mấy cái hành dân à? Mấy ông bà thử ngồi ghế trên xe đi chục vòng Bắc - Nam cho có cảm giác rồi hãy ra quy định. Ngay cả đi tàu hoả có ghế mềm tôi thường không chọn vì không thoả mái, tôi chọn ghế cứng rồi trải chiếu ngủ dưới sàn tàu”…
Chưa kể, các nhà xe, chủ xe sẽ xử lý ra sao với các xe giường nằm 2 tầng đang vận hành, sẽ bán hay cải tạo thành loại xe khác. Dù làm thế nào thiệt hại về kinh tế là không nhỏ.
Mỗi người dân ở mỗi vị trí khác nhau, mức độ sử dụng với loại xe giường nằm 2 tầng có phản ứng khác nhau với đề xuất này của Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên, tiếng nói của người dân là tiếng nói của cuộc sống, tiếng nói của nhu cầu.
Phải chăng đề xuất này của Bộ Giao thông vận tải là phản ứng quá nôn nóng trước những câu hỏi về trách nhiệm quản lý trong những vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe giường nằm 2 tầng xảy ra liên tiếp thời gian gần đây.
Thiết nghĩ, bất cứ quy định nào của cơ quan quản lý Nhà nước bên cạnh việc phù hợp với luật, đảm bảo cho công tác quản lý, đặc biệt an toàn cho người dân cũng cần và nên phù hợp với thực tế.
Với đề xuất cấm cải tạo xe khách ghế ngồi thành xe giường nằm 2 tầng thay vì vội vàng thể hiện trách nhiệm, Bộ Giao thông vận tải chậm lại một nhịp xem xét kỹ lưỡng tác động của quy định này, xem xét nhu cầu thực tế của người dân. Từ đó, cân nhắc “cấm” hay sử dụng chế tài mạnh mẽ hơn cho nhà xe, lái xe để chấp hành nghiêm túc các quy định về an toàn giao thông hiện có hoặc tìm ra giải pháp khác hiệu quả hơn, hợp lòng người dân hơn.