Tại sao ông Putin muốn nước Nga được trả tiền bằng đồng rúp?
Nga, nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, sẽ chỉ chấp nhận thanh toán cho xuất khẩu năng lượng bằng đồng rúp, điều đó có tác động gì đến kết quả cuộc chiến của Vladimir Putin ở Ukraine?
Theo một sắc lệnh của ông Putin được đưa ra hôm thứ Năm, các chính phủ tích cực phản đối cuộc tấn công của Nga vào Ukraine sẽ phải mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank thuộc tập đoàn năng lượng quốc doanh khổng lồ của Nga, và thanh toán tất cả các hóa đơn bằng đồng rúp.
Bằng cách 'vũ khí hóa' thặng dư thương mại của mình, ông Putin không chỉ nâng cao vị thế của đồng rúp mà còn thể hiện sự cứng rắn của ông đối với châu Âu: Các nhà nhập khẩu khí đốt như nước Đức sẽ buộc phải làm suy yếu đồng tiền của họ và tăng cường sức mạnh cho đồng tiền của nước Nga chỉ để giữ được 'ngọn lửa trong đèn' ở quê nhà.
Norbert Röttgen, cựu Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Đức cho rằng động thái mới của ông Putin sẽ làm suy yếu hàng loạt các biện pháp trừng phạt mà các ngân hàng trung ương phương Tây đã đưa ra. Trong tuần trước, chính ông này cũng đã đưa ra lời cảnh báo về những điều ông Putin có thể đưa ra để bảo vệ nền kinh tế của Nga.
Khi bắt đầu cuộc tấn công Ukraine, ông Putin từng hy vọng có thể bảo vệ nền kinh tế của mình đủ lâu khỏi những tác động tồi tệ nhất của các lệnh trừng phạt để đạt được các mục tiêu quân sự của mình.
Tuy nhiên, ông đã đánh giá quá cao khả năng quân sự của mình và đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của các lệnh trừng phạt.
Những điều này bao gồm lệnh cấm đối với hệ thống thanh toán SWIFT quốc tế, cấm xuất khẩu bất kỳ hàng hóa nào có thể được sử dụng cho các mục đích quân sự cũng như dân sự và đóng băng phần lớn tài sản ngân hàng trung ương của ông ở nước ngoài.
Sắc lệnh hôm thứ Năm có thể đánh dấu một bước ngoặt lớn.
Chỉ ba tuần trước, Morgan Stanley đã dự đoán “kịch bản khả dĩ nhất” đối với Nga là vỡ nợ trong tháng này.
Moscow đối mặt với nguy cơ rất thực tế là đồng rúp sụp đổ có thể khiến người dân Nga rút tiền gửi tiết kiệm và chuyển chúng sang các loại ngoại tệ vững mạnh hơn, gây ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng trên diện rộng.
Điều này sẽ khiến các cuộc phản đối leo thang và làm suy yếu sự ủng hộ của dân Nga đối với cuộc chiến của ông.
Nhưng ngoài những trường hợp bất đồng quan điểm hiếm hoi và đáng chú ý, chẳng hạn như từ nhà báo Marina Ovsyannikova, cho thấy ông Putin chả có điều gì phải sợ người dân của mình.
Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga (CBR) đã tỏ ra khéo léo hơn nhiều trong việc hoàn thành các mục tiêu của mình.
Ngay cả khi không có quyền truy cập phần lớn trong số 600 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của mình, cơ quan điều hành tiền tệ này vẫn có thể hỗ trợ lĩnh vực ngân hàng trong nước thông qua một loạt các biện pháp cụ thể.
Bán khống đã tạm thời bị cấm trên thị trường chứng khoán, việc chuyển đổi tiền tệ sang ngoại tệ bị giới hạn ở mức 10.000 USD cho các cá nhân, ít nhất cho đến cuối năm nay và CBR đang cho các ngân hàng thương mại vay vốn hàng ngày tùy theo nhu cầu để giảm thiểu rủi ro thanh khoản.
Với việc đồng rúp hiện đang phục hồi về mức trước chiến tranh, những người chỉ trích Tổng thống Biden đang tuyên bố chế độ trừng phạt của ông đã phản tác dụng, khiến giá hàng hóa tăng vọt đối với người tiêu dùng Mỹ trong khi Hoa Kỳ không thể tác động để Nga ngay lập tức buộc ngừng bắn ở Ukraine.
Mặc dù ông Putin có thể nhận được nhiều sự chú ý hơn khi cảnh báo có thể sử dụng 'thanh kiếm hạt nhân' của mình, nhưng việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên của ông vẫn là công cụ hiệu quả nhất của ông để chống lại các đòn trả đũa kinh tế do các nước phương Tây áp đặt.
"Một hành động bẻ lái tỷ giá hối đoái đã giúp chuyển hóa nguy cơ từ Gazprom trong vai trò một nhà xuất khẩu sang cho các nhà nhập khẩu tại các nước 'không thân thiện', từ đó tạo ra khả năng tăng giá cho chi phí năng lượng nếu giá trị của đồng rúp bị giảm trong trung hạn và dài hạn", Alexander Mihailov, một nhà kinh tế tại Đại học Reading ở Vương quốc Anh, viết.
Hiện tại, các bước tiếp theo cho động thái này vẫn chưa rõ ràng.
Hiện tại, có vẻ như ông Putin đã nhượng bộ, trong khi cả Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Ý Mario Draghi đều tuyên bố sẽ không có gì thay đổi vì Moscow sẽ không mạo hiểm đơn phương vi phạm hợp đồng.
“Việc thanh toán cho việc cung cấp khí đốt của Nga được xử lý bằng đồng euro và USD phù hợp với các hợp đồng hiện có. Hiện tại là thế và mọi chuyện sẽ tiếp tục như vậy. Đó là điều mà tôi đã nói rõ trong cuộc trò chuyện với Tổng thống Putin ngày hôm qua”, Thủ tướng Đức Scholz nói.
Draghi, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu được cho là đã cứu đồng euro trong cuộc khủng hoảng nợ có chủ quyền của lục địa già cách đây một thập kỷ, cho biết Nga sẽ tự giải quyết giao dịch ngoại hối trong nội bộ, trừ trường hợp phải thanh toán bằng đồng rúp.
Ít nhất đó là những gì ông ấy 'hiểu', vị cựu chủ tịch người Ý nói, khi ám chỉ đến hành động của ông Putin.
Danh sách các quốc gia 'không thân thiện' của Nga tương ứng với những quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt. Giao dịch với các công ty và cá nhân từ các quốc gia đó phải được một ủy ban chính phủ Nga phê duyệt.
Các quốc gia bao gồm Mỹ, các quốc gia thành viên EU, Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine. Một số nước trong số này, bao gồm cả Mỹ và Na Uy, không mua khí đốt của Nga.