Tâm lý e ngại rủi ro, vàng bật tăng mạnh trở lại

Theo Đình Đại/diendandoanhnghiep.vn

Sau nhiều phiên lao dốc, giới đầu cơ săn lùng “một món hời”, cùng với tâm lý e ngại rủi ro được nâng lên khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục đình trệ đã thúc đẩy thị trường kim loại quý.

Giá vàng miếng SJC trong nước vẫn đắt hơn thế giới hơn 19 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC trong nước vẫn đắt hơn thế giới hơn 19 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường trong nước, lúc 8 giờ 45 phút ngày 8/9, giá vàng trong nước đồng loạt tăng mạnh từ 200.000 đồng – 250.000 đồng/lượng. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tăng giá vàng miếng lên 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, lên mức giá 66.200.000 đồng/lượng mua vào và 67.000.000 đồng/lượng bán ra. Mức tăng giá này cũng được Công ty SJC áp dụng cho cả ba thị trường lớn là TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng và  TP. Hồ Chí Minh. Chênh lệch biên độ mua-bán của thương hiệu vàng quốc gia hiện vẫn là 800.000 đồng/lượng.

Tương tự, thương hiệu DOJI Sài Gòn cũng tăng giá vàng miếng thêm 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với chốt phiên giao dịch trước đó. Giá niêm yết của thương hiệu này là  66.150.000 đồng/lượng mua vào và 66.950.000 đồng/lượng bán ra.

Cùng thời điểm, VietiBank Gold niêm yết vàng miếng với mức giá 66.200.000 đồng/lượng mua vào và 67.020.000 đồng/lượng bán ra, tăng 200.000 đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch ngày 7/9.

Trong khi đó, thương hiệu Phú Quý SJC, tăng giá vàng miếng thêm 250.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với chốt phiên giao dịch trước đó. Hiện giá mua-bán vàng miếng của thương hiệu này là 66.150.000 đồng/lượng mua vào và bán ra là 66.950.000 đồng/lượng.

Cùng chung với đà tăng của vàng miếng SJC, giá vàng trang sức thương hiệu PNJ tại thị trường TP.HCM cũng đồng loạt tăng 200.000 đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch ngày 7/9. Hiện giá niêm yết vàng trang sức PNJ là 51.000.000 đồng và 52.000.000 đồng/lượng. Chênh lệch giữa vàng miếng SJC và vàng trang sức thương hiệu PNJ hiện là 15.000.000 đồng/lượng.

Tại thị trường thế giới, thời điểm lúc 9 giờ ngày 8/9 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.715,51 USD/ounce, tăng hơn 12 USD/ounce so với cùng giờ sáng qua. Giá vàng thế giới quy đổi tương đương gần 47,6 triệu đồng/lượng.

Tâm lý e ngại rủi ro được nâng lên cũng phần nào thúc đẩy thị trường kim loại quý - Nguồn: kitco.com.
Tâm lý e ngại rủi ro được nâng lên cũng phần nào thúc đẩy thị trường kim loại quý - Nguồn: kitco.com.

Giá vàng thế giới đã bật tăng trở lại khi giới đầu cơ săn lùng “một món hời” sau khi kim loại quý trải qua nhiều phiên lao dốc. Điều đó đã giúp vàng có được mức tăng trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, việc chỉ số US Dollar Index và lợi tức kho bạc Mỹ đã giảm xuống từ mức cao hơn trong ngày cũng khuyến khích một số người mua quan tâm đến thị trường kim loại.

Tâm lý e ngại rủi ro được nâng lên cũng phần nào thúc đẩy thị trường kim loại quý. Mới đây, Trung Quốc đã công bố báo cáo xuất nhập khẩu trong tháng 8 cho thấy mức giảm nhiều hơn dự kiến. Nguyên nhân là do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục đình trệ trong bối cảnh nhiều thành phố phong tỏa để ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19. Thị trường bất động sản chao đảo và đồng Nhân dân tệ yếu hơn.

Theo nhà phân tích Craig Erlam của OANDA, những khó khăn mà nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt đang ngày càng trở nên khốc liệt và những nỗ lực gần đây để vực dậy nó có vẻ không phù hợp.

Mặc dù được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố nhưng kim loại quý vẫn chưa thực bứt phá trong phiên giao dịch giữa tuần khi chịu áp lực bởi giá dầu thô giảm mạnh. Giá dầu thô rơi xuống mức 82,65 USD/ thùng, mức thấp nhất trong 8 tháng, trong rạng sáng ngày hôm nay đã hạn chế đà tăng của kim loại quý này.

Theo Reuters, thị trường có thể xuất hiện các động thái mua vào khi giá giảm xuống dưới mốc 1.700 USD/ounce, nhưng chỉ cần Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lập trường bảo thủ, vàng dự kiến sẽ giảm thêm.

Trong khi đó, nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho rằng, lãi suất cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Đồng USD mạnh tiếp tục gây áp lực lên kim loại quý.