Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến VN-Index “giảm tốc”

Minh Lâm

Áp lực chốt lời gia tăng cho thấy tâm lý nhà đầu tư còn khá thận trọng. Thị trường hôm nay (ngày 5/7) vì thế không thể duy trì sắc xanh tốt, "chới với" trước ngưỡng 1.140 điểm.

Tiếp tục duy trì đà phục hồi, VN-Index tăng điểm ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch và duy trì tốt sắc xanh trong phiên sáng. Nhóm cổ phiếu thép, ngân hàng và bán lẻ thu hút được lực cầu tốt nhất.

Bên cạnh đó, với việc tăng điểm của gần 20 mã cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 đã tạo tiền đề tích cực giúp chỉ số chung dần tiếp cận lại khu vực 1.140 điểm. Sự tích cực vẫn được ghi nhận xuyên suốt phiên chiều thông qua việc thanh khoản mua chủ động chiếm đến gần 72%.

Áp lực bán gia tăng vào cuối phiên khiến VN-Index đánh rơi phần lớn thành quả cả ngày hôm nay. 
Áp lực bán gia tăng vào cuối phiên khiến VN-Index đánh rơi phần lớn thành quả cả ngày hôm nay. 

Tuy nhiên, áp lực bán vẫn liên tục xuất hiện tại vùng điểm tâm lý khiến cho VN-Index chưa thể vượt qua được kháng cự đỉnh cũ. Sức ép bán mạnh ở nhóm blue-chips đẩy đa số mã này tụt xuống mặt bằng giá yếu hơn, khiến rổ VN30 phân hóa mạnh khi số mã tăng và mã giảm tương đương nhau (16 mã tăng/14 mã giảm).

Nếu như phiên sáng, ngành Ngân hàng là điểm tựa cho thị trường thì sang phiên chiều có sự xuống sức rõ rệt, chỉ còn tăng 0,74%. Vì thế, VN-Index cũng đánh rơi phần lớn thành quả trong cả phiên giao dịch hôm nay.

May mắn là, ngành Vật liệu xây dựng (+2,3%) vẫn giữ được phong độ tốt, thậm chí còn thêm lan tỏa sắc xanh đến nhiều mã như: HPG (+2,7%), HT1 (+3,7%), HVX (+2,2%), NKG (+1,1%), TCG (+2,7%)… sau những thông tin tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công.

Cụ thể, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều hôm qua (4/7), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tốc độ giải ngân đầu tư công đã có nhiều cải thiện so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến, đến 30/6, số liệu giải ngân ước đạt gần 216.000 tỷ đồng, đạt 3,49% so với kế hoạch Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2022 đạt 27,75%).

Một số nhóm ngành khác vẫn giữ được sắc xanh dù rằng không còn mạnh mẽ như phiên sáng khi chỉ tăng chưa tới 1%, như: Bán lẻ (+0,5%), chế biến thủy sản (+0,4%), hóa chất (+0,2%)... Nhờ đó, thị trường vẫn giữ lại được gần 3 điểm tăng so với phiên hôm trước, dù đà tăng có giảm tốc.

Kết phiên, VN-Index tăng thêm 2,62 điểm, tương đương 0,23% lên 1.134,62 điểm. Trong bối cảnh nhiều Large Cap chịu áp lực điều chỉnh, VCB (+2%) là cổ phiếu trụ nâng đỡ chính cho VN-Index. Chỉ riêng VCB đã góp hơn 2,4 điểm tăng cho thị trường, tiếp sau là HPG với đóng góp 1 điểm và BID (+0,8%), góp thêm gần 0,5 điểm.

Ở chiều ngược lại, áp lực của thị trường đến từ các mã VHM (-0,7%), VNM (-1,1%), VIC (-0,6%), GAS (-0,8%), GVR (-1%)… Nhóm cổ phiếu này lấy đi gần 1,7 điểm của VN-Index.

Bất ngờ giải ngân trở lại trong phiên chiều, khối ngoại mua ròng tổng cộng 194 tỷ đồng, tập trung mua ròng ở các mã như HPG (+120 tỷ đồng), TCM (+76 tỷ đồng), DGC (+49 tỷ đồng), GEX (+32 tỷ đồng)… Ở chiều ngược lại, khối ngoại tập trung bán ròng ở các mã như FUEVFVND (-49 tỷ đồng), VCB (-49 tỷ đồng, PNJ (-44 tỷ đồng), VPB (-42 tỷ đồng)...

Khối lượng giao dịch của VN-Index tiếp tục cải thiện nhưng vẫn thấp hơn trung bình 20 ngày, đạt 967,6 triệu đơn vị cổ phiếu, tương đương giá trị 19.596 tỷ đồng, tăng 15,07% về khối lượng và 17,48% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 62,2 triệu đơn vị, giá trị 1.933,42 tỷ đồng.