Tầm nhìn chiến lược Ấn - Mỹ hướng về Trung Quốc
(Tài chính) Tuyên bố về Tầm nhìn chiến lược chung Ấn - Mỹ về khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương được coi là điểm nhấn trong chuyến công du Ấn Độ vừa qua của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Giới phân tích quốc tế nhận định, Washington và New Delhi đã thể hiện sự hợp sức trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Bắc Kinh.
Văn kiện nêu rõ, Mỹ và Ấn Độ là hai đầu tàu quan trọng của tăng trưởng khu vực và toàn cầu. Hai nước sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác để hỗ trợ sự phát triển toàn diện, bền vững từ châu Phi tới Đông Á, tăng cường sự kết nối khu vực bằng cách phối hợp với các đối tác khác để giải quyết vấn đề đói nghèo, thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng. Để hỗ trợ sự liên kết kinh tế khu vực, Washington và New Delhi sẽ thúc đẩy kết nối hạ tầng và phát triển kinh tế theo tính chất kết nối Nam Á, Đông Nam Á và Trung Á, kể cả tăng cường mạng lưới truyền tải năng lượng, khuyến khích tự do thương mại và liên kết mạnh mẽ hơn giữa người dân.
Sau khi nêu rõ thịnh vượng khu vực phụ thuộc vào an ninh, tuyên bố trên khẳng định tầm quan trọng của bảo vệ an ninh hàng hải, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trong toàn khu vực, đặc biệt là tại Biển Đông. Tuyên bố cũng kêu gọi tất cả các bên tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; giải quyết tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải thông qua tất cả các biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tuyên bố nêu bật mối quan hệ chiến lược gần gũi giữa Ấn Độ và Mỹ - một mối quan hệ có thể tạo sự cân bằng trước sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương mở rộng.
Tuyên bố phản đối chủ nghĩa khủng bố, hành động cướp biển và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong phạm vi khu vực hoặc xuất phát từ khu vực; cam kết hai bên sẽ cùng nhau phối hợp để thúc đẩy những giá trị cùng chia sẻ vì hòa bình, thịnh vượng và ổn định theo cam kết chung của hai nước đối với Tuyên bố toàn cầu về quyền con người (UDHR). Hai bên cam kết tăng cường Hội nghị Cấp cao Đông Á nhằm khuyến khích đối thoại khu vực về những vấn đề chính trị và an ninh chủ yếu.
Để thực hiện được tầm nhìn khu vực này, Ấn Độ và Mỹ cam kết phát triển một lộ trình nhằm tăng cường quan hệ giữa các nước lớn ở châu Á, tạo điều kiện cho hai nước phản ứng tốt hơn trước những thách thức về kinh tế, ngoại giao và an ninh trong khu vực. Ngoài những nỗ lực này, Washington hoan nghênh việc New Delhi quan tâm tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, với lý do nền kinh tế Ấn Độ là một phần động lực của kinh tế châu Á.
Trong 5 năm tới, Ấn Độ và Mỹ sẽ tăng cường các cuộc đối thoại khu vực, đẩy mạnh cơ chế tham vấn 3 bên với các nước thứ ba trong khu vực; thúc đẩy sự liên kết, tăng cường các diễn đàn khu vực; thăm dò thêm các tiềm năng để hợp tác và tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong những lĩnh vực mà hai bên có thể xây dựng được năng lực trong khu vực để ủng hộ hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả các nước.
Với nội dung trên, giới chuyên gia cho rằng tuyên bố về Tầm nhìn chiến lược chung Ấn - Mỹ về khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương của lãnh đạo hai nền dân chủ lớn nhất thế giới này là lời cảnh báo trực diện với Trung Quốc – nước đối tác – đối thủ của Washington và New Delhi, nuôi tham vọng bá quyền, bành trướng lãnh thổ - lãnh hải với các nước láng giềng, đe dọa trực tiếp tới an ninh hàng hải khu vực và gián tiếp thách thức vị thế của Mỹ và Ấn Độ.
Đối với chính quyền Tổng thống Obama, việc tăng cường quan hệ với Ấn Độ hoàn toàn phù hợp với nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của Mỹ đối với các quốc gia láng giềng của Trung Quốc. Là nước có nền kinh tế phát triển nhanh và dân số đông, Ấn Độ có sức hút đặc biệt đối với Mỹ trong khi Washington đang tìm kiếm sức mạnh cân bằng ở khu vực có thể đối kháng với Trung Quốc.
Bề ngoài, Ấn Độ và Trung Quốc là đồng minh. Năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Modi hoan nghênh chuyến công du tới New Delhi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng lo ngại những động thái của Trung Quốc ở khu vực, đặc biệt ở vùng biển Ấn Độ Dương và khu vực biên giới giữa hai nước, đồng thời đặt vấn đề cải thiện quan hệ với Mỹ trở thành mấu chốt trong việc triển khai trạng thái phòng vệ của mình. New Delhi cảm thấy lo ngại trước việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương. Việc các tàu chở dầu di chuyển an toàn qua Ấn Độ Dương có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Ấn Độ. Đồng thời, Ấn Độ cũng lo lắng khi quân đội Trung Quốc nhiều lần vượt qua dãy núi Himalaya, biên giới Trung - Ấn. Chuyên gia phân tích Brady của Tập đoàn thông tin tình báo quốc phòng IHS Jane’s cho rằng: “Mục tiêu của Ấn Độ là trong 20 năm tới năng lực quân sự của nước này có thể đối phó với Trung Quốc, nếu chỉ dựa vào sức mạnh của mình thì Ấn Độ không thể thực hiện mục tiêu trên, do vậy cần tới một quốc gia như Mỹ để nâng đỡ”.
Quan hệ nước lớn không thể tránh khỏi các cuộc đàm phán ngoại giao, hợp tác Mỹ - Ấn Độ cũng không nằm ngoài quy luật này khi mỗi bên đều có những toan tính riêng. Đối với Mỹ, lôi kéo được Ấn Độ có thể tăng cường hiệu quả trong chiến lược tái cân bằng châu Á; đối với Ấn Độ, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Mỹ - Ấn không chỉ có dụng ý về mặt an ninh chiến lược mà còn giúp cho chính sách phát triển kinh tế của nước này. Tựu chung lại, mục đích lớn nhất là cạnh tranh với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.