Tầm nhìn toàn cầu cho kinh tế số
Không phải ngẫu nhiên Hội nghị thường niên lần thứ 29 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF - 29) dành một phiên toàn thể cho chủ đề “Vai trò của Nghị viện thúc đẩy kinh tế số trong khu vực”. Vai trò động lực tăng trưởng mới cho khu vực của kinh tế số là rất rõ ràng. Không gian số là không biên giới, và do đó tiềm năng kinh tế số không thể hiện thực hóa nếu các nước hành động riêng rẽ, đi theo chủ nghĩa bảo hộ đơn phương và thiếu đi phối hợp toàn cầu.
Thế kỷ XXI từ lâu đã được nhận diện là thế kỷ của châu Á - Thái Bình Dương. Với các lợi thế như dân số đông và trẻ, xã hội năng động và cởi mở, nguồn lực và tiềm năng cho tăng trưởng kinh tế dồi dào, khu vực này được kỳ vọng sẽ dẫn đầu cuộc đua phát triển công nghệ số, kinh tế số.
Từ 3 năm trước, báo cáo triển vọng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ quốc tế đã cho thấy trình độ số hóa ở các nền kinh tế châu Á cao hơn so với các nước ở các khu vực khác. Ngay cả những nền kinh tế tương đối nghèo hơn của châu Á cũng tiến hành chuyển đổi số với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết. Trong 20 năm qua, đổi mới sáng tạo số đã đóng góp khoảng 30% tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người của châu Á.
Rõ ràng, một nền kinh tế số đã và đang hình thành trên toàn cầu, với châu Á - Thái Bình Dương là thị trường trọng tâm, là động lực mới của tăng trưởng. Vì thế, nhận diện đúng và từ đó tìm lời giải chính sách trúng để thúc đẩy kinh tế số là yêu cầu quan trọng đặt ra với Nghị viện các nước trong khu vực ở thời điểm này.
Trong bài phát biểu ghi hình tại phiên toàn thể với chủ đề “Vai trò của Nghị viện thúc đẩy kinh tế số trong khu vực” của APPF-29, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ đã đề nghị các Nghị viện thành viên APPF tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thể chế quốc gia lẫn các thể chế khu vực nhằm đẩy nhanh chuyển đổi số toàn diện. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khuyến nghị một khung khổ toàn diện giải quyết một loạt các vấn đề cốt lõi, từ đầu tư nâng cao cơ sở hạ tầng số, tăng cường kết nối, thương mại và dịch vụ số, thanh toán điện tử; bảo mật thông tin giao dịch, bảo vệ dữ liệu cá nhân, an toàn mạng, củng cố niềm tin số…
Đáng chú ý, nền tảng pháp lý riêng rẽ của từng quốc gia có thể không đủ hiệu quả để giải quyết các vấn đề của kinh tế số, bởi vì kỹ thuật số - internet mang bản chất xuyên quốc gia, do đó giao dịch, hoạt động trên môi trường số diễn ra xuyên quốc gia. Trên thực tế, các quốc gia dẫn đầu về công nghệ số và kinh tế số đang tích cực thúc đẩy quá trình hình thành “luật chơi” chung.
Chẳng hạn, Singapore đã tiên phong thiết lập Hiệp định đối tác kinh tế số với Australia, New Zealand, Chile vào 2020. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng 10 vừa qua, Trung Quốc công bố quyết định xin gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế số cùng Singapore, New Zealand và Chile. Một tháng trước đó, trong cuộc họp trực tuyến với các Bộ trưởng ASEAN, Hàn Quốc đề xuất ký kết một hiệp định mới về thương mại số với khu vực này.
Thực tế này đòi hỏi các nhà lập pháp phải kiến tạo những hệ thống pháp lý chung mang tính toàn cầu. Không có lựa chọn nào khác, các quốc gia phải hợp tác với nhau tạo ra các khuôn khổ đa phương mới về pháp lý để điều tiết và thực thi những vấn đề mới phát sinh. Trong bối cảnh như vậy, sự tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm lập pháp và giám sát trong lĩnh vực thương mại điện tử giữa các Nghị viện thành viên APPF như đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Như Chủ tịch Quốc hội nói trước diễn đàn APPF-29, Việt Nam xác định kinh tế số, thương mại điện tử là một trong những động lực và ưu tiên trong các chiến lược, chính sách phục hồi tăng trưởng và thích ứng với đại dịch COVID-19, đi đôi với mô hình phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng tuần hoàn, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Theo đó, bài toán đặt ra cho Quốc hội là gấp rút hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý cho ngành kinh doanh mới, các vấn đề mới trong bối cảnh thương mại và kinh tế xuyên biên giới như tài sản số, bảo vệ dữ liệu cá nhân, thương mại và dịch vụ số xuyên biên giới…
Đó cũng là sự chuẩn bị cần thiết để Việt Nam có thể tự tin và vững vàng trong 2 sứ mệnh: thúc đẩy các khuôn khổ pháp lý mới cho khu vực; và đàm phán, ký kết thành công các hiệp định đối tác kinh tế số, song phương và đa phương với các đối tác tiềm năng trong tương lai không xa.