Lào xác định kinh tế số là nền tảng phát triển trong tương lai
Chính phủ Lào xác định, kinh tế số là mũi nhọn, nền tảng phát triển trong tương lai và cụ thể hóa bằng tầm nhìn, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế số của Lào trong từng giai đoạn nhằm thu hút hợp tác, đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ số, thúc đẩy tăng trưởng của các ngành kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế.
Trong Dự thảo Tầm nhìn phát triển kinh tế số quốc gia giai đoạn 20 năm (2021 - 2040), Chiến lược phát triển kinh tế số quốc gia giai đoạn 10 năm (2021 - 2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế số quốc gia giai đoạn 5 năm (2021 - 2025) của Lào đều nhấn mạnh, chuyển đổi số sẽ đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng đi kèm nhiều thách thức, do đó, toàn Đảng, toàn xã hội phải khẩn trương chuyển biến sâu sắc về tư duy để đem lại những cơ hội bứt phát cho phát triển đất nước; tăng cường thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đi kèm với việc phát triển đội ngũ nhân sự chất lượng cao nhằm giải quyết khó khăn của người dân là nhiệm vụ trọng tâm và tích cực giải quyết những yếu kém, tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.
Chuyển đổi số phải gắn kết sâu sắc trong ba lĩnh với nhau như xây dựng nền kinh tế số, xây dựng xã hội số, xây dựng quản lý số gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng cơ sở hạ tầng ICT hiện đại, bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Lào cũng đề ra tám chiến lược để thực hiện trong 10 năm tới, đề cập mục tiêu phấn đấu như phát triển thành công thương mại điện tử, bao gồm nền tảng thương mại điện tử và thanh toán điện tử; xây dựng hệ thống logistics và dịch vụ kỹ thuật số; phát triển chuyển đổi số cho các doanh nghiệp kinh doanh trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ sử dụng công nghệ số; lắp đặt hệ thống văn phòng hiện đại của Nhà nước như hệ thống quản lý văn bản điện tử, xây dựng mạng lưới và trung tâm số của Nhà nước để trao đổi thông tin cho các bộ, ngành, địa phương theo kế hoạch chuyển đổi Chính phủ số của Lào; hoàn thành 50% việc chuyển đổi các dịch vụ của Nhà nước thành dịch vụ trực tuyến nhằm cải thiện các chỉ số hành chính công của Lào; hoàn thành việc điều chỉnh hệ thống quản lý thu, chi của ngành tài chính, ngân hàng bằng hình thức điện tử như hệ thống ngân hàng điện tử, hệ thống tài chính điện tử qua điện thoại (Mobile Money) nhằm góp phần giải quyết vấn đề kinh tế - tài chính của chương trình quốc gia.
Lào cũng xác định phải xây dựng được một khu công nghệ cao về kỹ thuật số để thu hút đầu tư nước ngoài; phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, mở rộng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tại khu vực nông thôn, mở rộng các trạm tiếp nhận, truyền tải tín hiệu điện thoại 4G, 5G tại các địa phương trên cả nước; tạo ra lực lượng lao động công nghệ số có kiến thức và chuyên môn chiếm từ 0,3% - 1% lực lượng lao động thực tế; thúc đẩy nền kinh tế số đóng góp 5% GDP; bảo đảm việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong hoạt động quốc phòng - an ninh và trong quản lý Nhà nước, hoạt động kinh doanh và sử dụng trong toàn xã hội được an toàn.
Việc xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế số quốc gia có vai trò cực kỳ quan trọng, trở thành đòn bẩy thúc đẩy, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo ra bước đột phá trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Lào, qua đó tạo nền tảng để Lào phát triển và hội nhập khu vực và quốc tế trong lĩnh vực này.