Tam nông luôn là vấn đề chiến lược

Theo Tích Chu/ Báo Sóc Trăng

Đó là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sau khi kết thúc nội dung chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan diễn ra vào sáng ngày 8-6. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: “Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng và ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn”.

TS. Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng là người góp công lớn trong việc nghiên cứu, lai tạo các giống lúa thơm ST, giúp nâng cao giá trị hạt gạo và thu nhập cho nông dân. Ảnh: TÍCH CHU
TS. Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng là người góp công lớn trong việc nghiên cứu, lai tạo các giống lúa thơm ST, giúp nâng cao giá trị hạt gạo và thu nhập cho nông dân. Ảnh: TÍCH CHU

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong những năm qua, ngành nông nghiệp phát triển cả về quy mô lẫn trình độ sản xuất, duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, làm trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, đặc biệt là trong thời kỳ khó khăn nhất do tác động của đại dịch Covid-19. Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp đang phát triển mạnh theo xu hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, bám sát nhu cầu của thị trường, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn chứng: “Tỷ lệ nông sản qua chế biến tăng rõ rệt, bình quân khoảng 30% một năm. Thị trường tiêu thụ được mở rộng cả trong và ngoài nước, xuất khẩu nông sản tăng nhanh cả về sản lượng, giá trị và tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao. Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới, thứ 2 khu vực Đông Nam Á về xuất khẩu nông sản”.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chỉ ra những hạn chế của ngành nông nghiệp như: sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ và tự phát; phát triển còn thiếu bền vững, năng suất cây trồng, vật nuôi khá cao nhưng năng suất lao động thấp, thu nhập và đời sống của người dân chưa cao, có lúc, có nơi còn rất khó khăn… Do đó, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, để hiện thực hóa chủ trương tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn nữa, quyết liệt hơn nữa.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng có bài phát biểu đánh giá cao vai trò, vị trí của ngành nông nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua và cho rằng, chưa bao giờ ngành Nông nghiệp Việt Nam có một bước phát triển mạnh mẽ như hiện nay, từ sản xuất đủ ăn đáp ứng được nhu cầu của người dân cho đến xuất khẩu đạt tỷ trọng cao. Diện mạo của nông thôn thay đổi nhanh chóng, đời sống nhân dân được cải thiện hết sức rõ rệt. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đồng tình rằng, hiện nay ngành nông nghiệp vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức cả hiện tại lẫn trong tương lai khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với thế giới. Vì vậy, để ngành nông nghiệp phát triển bền vững và người dân yên tâm sản xuất, cần căn cứ vào nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổ chức thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, thay đổi ngay tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng tới hiệu quả cao; không tối đa hóa sản lượng mà tối ưu hóa giá trị…

Trước đó, trong 30 phút trả lời chất vấn và câu hỏi của đại biểu về vấn đề liên kết, giá cả đầu vào, tiêu thụ nông sản, khoa học công nghệ trong nông nghiệp… Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã thẳng thắn, trách nhiệm đi thẳng vào từng vấn đề; đồng thời, gợi mở nhiều định hướng lớn và đề xuất một số giải pháp cụ thể được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao. Đối với câu hỏi về các mối liên kết trong việc phát triển dựa trên niềm tin, theo Bộ trưởng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có định hướng, chiến lược xây dựng những thiết chế xã hội nông thôn, những nhóm nghề nghiệp, nhóm xã hội, chính quyền cấp cơ sở tạo mạng lưới xã hội tham gia sâu vào sự phát triển ở địa phương, qua đó nâng cao tính tự chủ, tự lực của người dân, giữ vững niềm tin và sự cố kết xã hội, tạo sự chia sẻ và tin tưởng giữa các thành phần doanh nghiệp và người dân, giúp nhanh chóng hồi phục sau những đứt gãy xã hội, đứt gãy chuỗi cung ứng.

Liên quan đến vấn đề giá cả, thị trường nguyên liệu đầu vào, bộ đã vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo nhiều hội nghị để siết chặt công tác quản lý thị trường, chỉ đạo các hệ thống, các hiệp hội ngành hàng tháo gỡ khó khăn, góp phần giảm đà tăng giá. Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm hữu cơ trong nông nghiệp, nghiên cứu các quy trình sản xuất nông nghiệp giảm sử dụng nguyên liệu, vật tư đầu vào; nghiên cứu các nguyên liệu, vật tư thay thế phù hợp.

Đối với vấn đề tiêu thụ nông sản, theo Bộ trưởng, hoạt động sản xuất và kết nối tiêu thụ bắt đầu phục hồi sau dịch nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả. Bộ đang từng bước tháo gỡ rào cản kỹ thuật và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường lớn và tiềm năng. Liên quan đến vấn đề vốn về khoa học công nghệ trong nông nghiệp, Bộ trưởng cho biết, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là trụ cột để đổi mới và phát triển nông nghiệp. Hướng tới, bộ kêu gọi xã hội hóa nhằm thương mại hóa những đề tài nghiên cứu về nông nghiệp để thúc đẩy nhanh quá trình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất mang lại hiệu quả ngày một cao hơn.