Tận dụng các yếu tố thuận lợi dịp cuối năm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Trong thời gian còn lại của năm 2023, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tận dụng các yếu tố thuận lợi, cơ hội thị trường dịp cuối năm; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023. Theo đó, Nghị quyết nêu rõ: Tình hình kinh tế tháng 10 và 10 tháng năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Tín hiệu tích cực từ chỉ báo vĩ mô
Nghị quyết nêu rõ: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.
Thu ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2023 ước đạt 86,3% dự toán năm. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 10 tăng 4,1% so với tháng 9 và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; cán cân thương mại hàng hóa tháng 10 xuất siêu ước đạt 3 tỷ USD, tính chung 10 tháng ước xuất siêu 24,61 tỷ USD.
Giải ngân vốn đầu tư công đạt 56,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 5,4% so với cùng kỳ (51,34%) và số tuyệt đối cao hơn khoảng 104 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh các con số “biết nói” trên, cả ba khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều duy trì đà phục hồi, phát triển tốt. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước.
Nông nghiệp phát triển ổn định; xuất khẩu gạo trong 10 tháng đạt 7,1 triệu tấn với kim ngạch gần 4 tỷ USD, tăng 17% về sản lượng, 35 % về giá trị so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tăng 7% so với cùng kỳ, tính chung 10 tháng tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
Thúc đẩy phát triển hiệu quả thị trường trong nước
Để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với điều hành chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Cùng với đó, các bộ, ngành theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chủ động ứng phó với các diễn biến, yếu tố rủi ro có thể phát sinh. Triển khai hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được ban hành.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, khai thác các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng, nâng cao hiệu quả quản lý thu, phấn đấu tăng thu; kiểm soát chi chặt chẽ, tiết kiệm triệt để các khoản chi.
Bám sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả, chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả, nhất là trong những tháng cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Ngoài các nhiệm vụ trên, Chính phủ đề nghị, các bộ, ngành tập trung nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm.
Tập trung thúc đẩy phát triển hiệu quả thị trường trong nước, tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động người "Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", các chương trình khuyến mại, hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu...
Đồng thời, mở rộng thị trường xuất khẩu; khai thác, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết; tăng cường đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do mới.
Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính không cần thiết
Liên quan tới vấn đề cải cách hành chính, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt hơn nữa trong việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Các bộ, cơ quan tập trung rà soát, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính và chất lượng dịch vụ công trực tuyến, nhất là các dịch vụ công cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, dịch vụ công thiết yếu theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Đẩy mạnh kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Trên cơ sở thực tiễn triển khai tại TP. Hà Nội và Bộ Thông tin và Truyền thông, Ckhuyến khích các bộ, ngành, địa phương thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin từ nguồn chi thường xuyên trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước giao để kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn về kinh phí thực hiện Đề án 06.
Ngoài các nhiệm vụ trên, Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm, có giải pháp hỗ trợ kịp thời người lao động chuyển đổi nghề bền vững, bảo đảm ổn định đời sống cho người lao động.
Tổ chức triển khai công tác chuẩn bị, chăm lo đời sống người dân trong dịp giáp hạt và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024...