Tận dụng cơ hội từ EVFTA thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường châu Âu
Theo Bộ Công Thương, sau hơn một năm đi vào triển khai, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Chỉ tính trong 9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 41,29 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu đạt 28,85 tỷ USD, tăng 11,7%.
Doanh nghiệp tận dụng tốt các ưu đãi từ cắt giảm thuế
Tại Hội nghị “Tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh hậu Covid-19”, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 16/11/2021, bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng Phòng xuất xứ hàng hóa (Cục xuất nhập khẩu) cho rằng, sau 1 năm thực hiện EVFTA, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã tận dụng tốt ưu đãi cắt giảm thuế, đạt được tăng trưởng hai con số về xuất khẩu. Nhờ đó, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã tăng trưởng theo hướng bền vững hơn, cả về chất và lượng.
Cụ thể, Trong 9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch 2 chiều giữa Việt Nam và EU đạt 41,29 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 28,85 tỷ USD, tăng 11,7%. Đây là kết quả rất có ý nghĩa trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, thương mại của các nước.
Việc triển khai EVFTA bước đầu đã đáp ứng được kỳ vọng về kim ngạch thương mại đề ra. Sau 1 năm thực thi, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU sử dụng mẫu chứng nhận C/O cho thị trường EU đạt tỷ lệ khá cao ở mức gần 8 tỷ USD, cho thấy nhiều DN đã chú ý và tận dụng tốt các ưu đãi cắt giảm thuế quan trong hiệp định.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có C/O ưu đãi thuế quan trong 10 tháng của năm 2021 được nhập khẩu chủ yếu vào thị trường Đức, Hà Lan, Pháp - nơi có cảng biển phân phối hàng hóa của châu Âu.
Trong đó, Đức kim ngạch nhập khẩu là 1,12 tỷ USD; Hà Lan kim ngạch nhập khẩu đạt 1,04 tỷ USD; Pháp đạt kim ngạch nhập khẩu 739 triệu USD. Mặt hàng tận dụng tốt ưu đãi thuế quan được cấp C/O nhiều nhất là thủy sản, va li, túi xách, dệt may, giày dép, điện thoại di động, máy vi tính và linh kiện, sản phẩm gỗ.
Điển hình, dưới tác động của EVFTA, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 300 triệu USD, tăng tới 37% so cùng kỳ. Dẫn đầu EU về kim ngạch xuất khẩu là thị trường Ðức đạt 62,23 triệu USD, tăng 19% so cùng kỳ; tiếp theo là Pháp đạt 55,04 triệu USD, tăng 29%; Hà Lan đạt 45,47 triệu USD, tăng 60%...
Bà Trịnh Thị Thu Hiền cho biết thêm, trên thực tế hàng hóa của Việt Nam xuất sang thị trường EU được DN tận dụng còn được ưu đãi thuế quan từ cơ chế tự chứng nhận C/O đối với các lô hàng trị giá dưới 6.000 EURO và ưu đãi thuế quan thông thường mà EU dành cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam trong nhiều năm qua.
Sát cánh cùng doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Vai trò của EVFTA không chỉ là đòn bẩy thúc đẩy thương mại hai chiều mà còn là lợi thế ưu việt cho cộng đồng DN trong bối cảnh kinh tế, giao thương toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19. Ngày càng nhiều DN Việt Nam tận dụng được ưu đãi từ EVFTA qua việc sử dụng chứng nhận C/O.
Theo Bộ Công Thương, so với các FTA đã có hiệu lực, mức độ hiểu biết và kỳ vọng của DN đối với Hiệp định EVFTA là tương đối cao (30,19% DN được khảo sát hiểu và nắm rõ các thông tin về các cam kết trong EVFTA so với mức trung bình 22,95% ở các FTA khác). Hiệp định EVFTA là một trong những FTA của Việt Nam có tỷ lệ tận dụng tốt nhất trong năm đầu tiên thực thi. Nông sản, dệt may, thủy sản là những ngành hàng đã tận dụng tốt các cơ hội từ hiệp định. Ngoài ra, EVFTA cũng đem lại cơ hội chuyển đổi cơ cấu hàng hoá hướng tới xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh mặt tích cực trong việc gia tăng xuất khẩu, bà Trịnh Thị Thu Hiền cũng cho rằng, còn nhiều dư địa để DN thâm nhập thị trường EU. Tuy nhiên, DN cần nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu về C/O theo EVFTA.
Đáng chú ý là thực tế các mặt hàng phía EU có nhu cầu và Việt Nam có thể đáp ứng chưa nhiều, năng lực cạnh tranh và mức độ tham gia sâu vào chuỗi giá trị của DN còn hạn chế; chưa kết hợp được xuất khẩu với hợp tác đầu tư công nghệ cao để sản xuất, phân phối sản phẩm. Do đó, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo về kết quả triển khai EVFTA thời gian qua cũng như đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy việc thực thi đạt hiệu quả; trong đó chú trọng đẩy mạnh xúc tiến thương mại.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ DN nâng cao năng lực, tiếp cận các thông tin và chính sách ưu đãi, đổi mới cách thức sản xuất theo hướng bền vững... Tăng cường cung cấp thông tin về thị trường, có kế hoạch phối hợp quảng bá hình ảnh thương hiệu quốc gia, hỗ trợ DN đáp ứng quy tắc xuất xứ của các FTA, trong đó có EVFTA...
Kinh tế EU phục hồi tạo cơ hội xuất khẩu hàng may mặc
Bộ Công Thương cho biết, nền kinh tế EU đang phục hồi có nhu cầu tiêu dùng hàng may mặc, hàng vali, túi xách, mũ, ô, dù gia tăng trở lại trong thời gian tới, sau khi dịch Covid-19 được đẩy lùi.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tỷ trọng xuất khẩu nhóm hàng vali, túi xách, mũ, ô, dù của EU trên tổng xuất khẩu của thế giới tăng trưởng liên tục trong giai đoạn 2016 - 2020, đạt mức 27,1% trong năm 2020. Do đó, đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng.