Tận dụng cơ hội với thị trường Nga

Theo thoibaonganhang.vn

Khi Hiệp định thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực, mặt hàng thủy sản Việt Nam nhập khẩu vào Nga được áp dụng mức thuế 0%, và đây cũng là một trong những thế mạnh của các doanh nghiệp ở miền Trung.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Liên bang Nga là thị trường truyền thống của doanh nghiệp trong nước. Các mặt hàng thế mạnh về nông sản như, chè, cà phê, ca cao, hay các sản phẩm đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ... của các doanh nghiệp miền Trung-Tây Nguyên đang được thị trường này rất ưa chuộng.

Đặc biệt, từ ngày 5/10/2016, Hiệp định thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam với các nước Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực, một số mặt hàng được miễn thuế về 0% hoặc giảm thuế, là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng xúc tiến thương mại vào Liên bang Nga cũng như một số nước khác trong khu vực.

Theo nhiều người, FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu sẽ đem đến cơ hội vàng xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Thực tế, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng nông sản ở khu vực miền Trung vào Liên bang Nga cũng đã được giảm thuế thấp hơn từ 30-50% so với thời điểm trước khi Nga là thành viên WTO.

Khi FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực, mặt hàng thủy sản Việt Nam nhập khẩu vào Nga được áp dụng mức thuế 0%, và đây cũng là một trong những thế mạnh của các doanh nghiệp ở miền Trung.

Ngoài ra, những năm gần đây, một số sản phẩm như chè từ Lâm Đồng, hay đồ gỗ xuất khẩu của các doanh nghiệp từ Bình Định cũng đã tìm được chỗ đứng vững chắc ở thị trường Liên bang Nga…

Tuy có nhiều tiềm năng, nhưng theo ông Andrei Brovarets, Tổng lãnh sự quán Liên bang Nga tại TP. Đà Nẵng, mặc dù là đối tác chiến lược của Liên bang Nga tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, song kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai quốc gia còn khá hạn chế bởi nhiều rào cản.

Trong thực tế, việc xuất khẩu hàng hoá từ miền Trung - Tây Nguyên vào thị trường này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do chi phí vận chuyển đội lên do phải đi đường vòng…

Thêm vào đó, việc thanh toán với các đối tác tại Liên bang Nga vẫn còn khá nhiêu khê, khiến nhiều doanh nghiệp e ngại. Thông thường, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá từ Liên bang Nga, chủ yếu thanh toán theo hình thức D/P, trả chậm 50-60 ngày.

Ngoài ra, phía đối tác thường yêu cầu doanh nghiệp khi mở L/C phải ký quỹ 100% giá trị hợp đồng, dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp gặp khó. Trong khi đó, giao dịch bằng đồng rúp tại Việt Nam không phổ biến…

Ông Lê Ngọc Chương, đại diện xí nghiệp Chế biến lâm sản xuất khẩu Pisico (Tổng công ty Pisico Bình Định) cho biết, mặc dù thị trường Nga rất tiềm năng, song khâu thanh toán vẫn còn những khó khăn. Để thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng vào thị trường này, doanh nghiệp đang phải thông qua trung gian là một doanh nghiệp có trụ sở tại Pháp...

Tận dụng những cơ hội từ FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu mang lại, các doanh nghiệp trong khu vực cũng cần nỗ lực mạnh mẽ để từng bước tiếp cận thị trường tiềm năng này. Theo đó, doanh nghiệp cần có chiến lược tốt, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả phải có sức cạnh tranh.

Đặc biệt, đối với các mặt hàng nông thủy sản, các doanh nghiệp khu vực miền Trung cần tìm cơ hội cung cấp hàng trực tiếp cho các nhà phân phối, loại bỏ các công ty trung gian góp phần giảm giá thành sản phẩm. Đồng thời, cần đầu tư vào mẫu mã, bao bì, tăng độ hấp dẫn của sản phẩm cũng như đầu tư khai thác các kênh vận chuyển, phân phối sản phẩm.

Bên cạnh việc xuất khẩu hàng hoá, một số tỉnh, thành, trong đó có Đà Nẵng, cũng đang đẩy mạnh xúc tiến du lịch với khách Nga. Ngoài ra, theo đại diện Sở Ngoại vụ Quảng Nam, các doanh nghiệp Nga với thế mạnh ở các lĩnh vực như xây dựng cảng biển, năng lượng, khoa học công nghệ cao… nếu đầu tư vào cũng sẽ giúp cơ cấu ngành công nghiệp các địa phương trong khu vực thêm đa dạng.