Tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định FTA
Sau 5 tháng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã ghi nhận liên tục tăng cao qua các tháng. Các tổ chức được ủy quyền đã cấp hơn 62.500 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi tại thị trường EU với kim ngạch hơn 2,35 tỷ USD ngay trong năm 2020.
Tại buổi lễ ký kết Hiệp định EVFTA, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ví von: “Con đường cao tốc đã được mở ra”. Theo đó, với một khu vực kinh tế thương mại khu vực có liên kết, kết nối thông qua các FTA lên tới 17 Hiệp định FTA hiện nay, Việt Nam đã hoàn toàn có đủ dư địa, có điều kiện để tổ chức thực thi các Hiệp định FTA có hiệu quả.
Thực tế cho thấy, sau 5 tháng thực thi Hiệp định EVFTA (từ 01/8/2020), kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 đạt tỷ lệ khá cao, chiếm khoảng trên 14% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU liên tục tăng.
Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các tổ chức được ủy quyền đã cấp hơn 62.500 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi tại thị trường EU với kim ngạch hơn 2,35 tỷ USD ngay trong năm 2020.
Các mặt hàng đã được cấp C/O chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan; nông sản; hàng điện tử... Điều này cho thấy, hiệu quả khai thác lợi ích ngay sau khi Hiệp định được đưa vào thực thi là rất tốt.
Đối với thị trường các nước CPTPP, kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt. Năm 2020, với CPTPP, khu vực kinh tế thương mại còn nhiều điều kiện rất xa lạ với Việt Nam cũng đã được khai thác tốt, trong đó tiêu biểu là các thị trường mới như Mexico, Chile hay Canada.
Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, năm 2020, xuất khẩu sang Canada duy trì mức tăng trưởng dương, đạt 4,35 tỷ USD, tăng 11,9%; xuất khẩu sang Mexico đạt 3,17 tỷ USD, tăng 12,2%...
Theo các chuyên gia, Hiệp định EVFTA tạo nhiều cơ hội và động lực mới cho Việt Nam, song cũng tạo áp lực cạnh tranh gay gắt ở một số lĩnh vực, như logistics, hóa chất, phương tiện vận tải, sắt thép, dược phẩm, chăn nuôi và nông sản chế biến... Đặc biệt, trong thời gian gần đây, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng làm giảm tác động tích cực của các FTA tới xuất khẩu của Việt Nam.
Trước tình đó, theo các chuyên gia, VIệt Nam cần phải có các kế hoạch để thực hiện và cụ thể những đề án, nhất là trong tái cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và tổ chức lại theo quan điểm, cách tiếp cận mới của chuỗi cung ứng. Các bộ, ban, ngành và địa phương cần tổ chức sơ kết thường xuyên, sâu sát để đánh giá việc thực thi từng FTA, nắm bắt các cơ hội tốt từ các FTA...
Tại Việt Nam, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA được quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Tại EU, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA được hướng dẫn tại tài liệu do EU soạn thảo. Trong đó, một số nội dung mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý để tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA khi xuất khẩu sang thị trường EU như: Ưu đãi thuế quan theo cơ chế GSP; Ưu đãi thuế quan EVFTA cho hàng hóa đã thông quan tại EU; Cộng gộp vải nguyên liệu từ Hàn Quốc...