Tận dụng tối đa các cơ hội từ VIFTA
Vừa qua, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA) đã được ký kết. VIFTA được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang Israel cũng như tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao của nước này, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần triển khai nhiều giải pháp để tận dụng tối đa các cơ hội mà Hiệp định mang lại.
Nhiều cam kết được thỏa thuận
Hiệp định VIFTA được ký kết đánh dấu thành quả nỗ lực của cả hai nước sau quãng thời gian 7 năm với 12 phiên đàm phán. Israel là quốc gia đầu tiên tại khu vực Tây Á mà Việt Nam ký kết FTA và Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á mà Israel ký kết FTA.
Israel hiện là một trong những đối tác hợp tác thương mại, đầu tư và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Tây Á. Cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam và Israel có tính bổ trợ lẫn nhau, các mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước không những không cạnh tranh trực tiếp mà còn có sự bổ sung cho nhau.
Do đó, việc ký kết và triển khai thực hiện VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang Israel, đồng thời có cơ hội tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao của Israel, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Hiệp định gồm 15 chương và một số phụ lục đính kèm các chương với các nội dung cơ bản như: thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS), hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm chính phủ, pháp lý – thể chế...
Với việc đạt được các thỏa thuận tại tất cả các chương trong hiệp định, nhất là cam kết mạnh mẽ của hai Bên về nâng cao tỷ lệ tự do hóa thương mại với tỷ lệ tự do hoá tổng thể đến cuối lộ trình cam kết của Israel là 92,7% số dòng thuế trong khi của Việt Nam là 85,8% số dòng thuế, hai Bên kỳ vọng rằng thương mại hai chiều sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3 tỷ USD và cao hơn nữa trong thời gian tới. Không chỉ góp phần nâng cao kim ngạch trao đổi thương mại hàng hóa chiều, VIFTA được kỳ vọng là đòn bẩy giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước về đầu tư, dịch vụ, chuyển đổi số, công nghệ…
Việc ký kết và triển khai thực hiện VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh không chỉ sang Israel mà còn có cơ hội tiếp cận các thị trường khác tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu.
Tận dụng tối đa các cơ hội
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, để tận dụng tối đa các cơ hội từ VIFTA mang lại, về phía cơ quan chức năng, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Hiệp định VIFTA một cách sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế - xã hội, tổ chức sản xuất kinh doanh, các hiệp hội. Từ đó, các hiệp hội, ngành nghề, địa phương có thể xem xét về những lợi thế, khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan… từ FTA.
Về phía các doanh nghiệp có thể nhìn thấy cơ hội liên kết, xuất khẩu sang thị trường Israel. Bởi lẽ, mặc dù công nghiệp chế biến, chế tạo của Israel rất cao, nhưng họ đang bị giới hạn bởi đặc tính riêng của một quốc gia sa mạc, do đó, Israel cần nhiều các sản phẩm nhiệt đới, trong đó có sản phẩm từ Việt Nam.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các doanh nghiệp cần đi sâu tìm hiểu và xem xét khả năng hợp tác và tận dụng cơ hội sản xuất kinh doanh là những gì để từ đó có những lộ trình cho từng doanh nghiệp, ngành nghề, mặt hàng. Trên cơ sở đó, phát huy được ưu điểm, tận dụng được các mặt mạnh và đẩy mạnh xuất khẩu. Nhất là trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu của chúng ta trong thời gian vừa qua còn nhiều khó khăn.
Thực tế, việc tận dụng các ưu đãi từ các FTA của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất ít, chỉ khoảng 30%. Do đó, Bộ Công Thương cùng với vai trò của các thương vụ, các đại sứ quán cần phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp… đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và tận dụng tối đa các lợi thế từ các FTA nói chung và Hiệp định VIFTA nói riêng.
Cùng quan điểm trên, PGS. TS. Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng, để tận dụng VIFTA một cách có hiệu quả, doanh nghiệp Việt cần chủ động trong vấn đề tìm hiểu những cơ chế, chính sách, thị trường, những rào cản thương mại để từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chủ động trong xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt hoạt động phải chuyên nghiệp hơn. Bởi, Israel là một đối tác có năng lực cạnh tranh lớn, có điều kiện tốt, nếu không chuyên nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu thì sẽ khó tiếp cận. Hơn hết, khoa học kỹ thuật của Israel rất phát triển, những mặt hàng tiêu dùng mà Việt Nam xuất khẩu sang phải chú ý nâng cao chất lượng, đặc biệt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chia sẻ về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định, bất cứ FTA nào cũng có những thách thức đòi hỏi phải vượt qua. Trong bối cảnh thương mại ngày càng được mở rộng, rủi ro trong giao thương là điều không thể tránh khỏi.
Trong bối cảnh đó, các Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài cần hỗ trợ các Hiệp hội, doanh nghiệp để tìm kiếm các đối tác có uy tín. Khi đã ký kết FTA rồi thì việc hỗ trợ này càng phải được thực hiện tốt hơn. Những sự việc rủi ro là không muốn và cũng không thể tránh được hoàn toàn. Do đó, chuyên gia này cho rằng, việc phối hợp để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro trong quan hệ thương mại là rất quan trọng.