Ngành Hải quan:
Tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng và thuận lợi thương mại
Với mục tiêu quản lý thu thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, 6 tháng đầu năm 2023, Tổng cục Hải quan đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp và đạt được kết quả cụ thể.
Hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại
Trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để triển khai các giải pháp cải cách hoạt động quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Trong đó, tập trung vào nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Tháng 3/2023, Tổng cục Hải quan đã làm việc với các bộ và từng đơn vị chuyên môn của các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công Thương và Bộ Giao thông vận tải để rà soát, chỉnh sửa nội dung Nghị định nhằm đảm bảo phù hợp với các luật chuyên ngành, tính khả thi, đồng bộ, thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cắt giảm thời gian, chi phí, thủ tục hành chính, hỗ trợ các DN trong hoạt động xuất nhập khẩu... Đồng thời, tham gia ý kiến đối với 37 dự án xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành do các bộ, ngành xây dựng, ban hành theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước.
Số liệu từ báo cáo Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính – NSNN 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 cho thấy, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai và hướng dẫn thực hiện hơn 400 văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Trong quá trình thực hiện, cơ quan Hải quan đã chủ động rà soát các quy định pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành để kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc; tổng hợp để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ đạo các bộ, ngành xem xét sửa đổi, bổ sung...
Tổng cục Hải quan cũng tích cực phối hợp với 07 bộ, ngành để rà soát, chuẩn hóa Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 31/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính... Đồng thời, hoàn thiện dự thảo Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo Cơ chế một cửa Quốc gia để trình Bộ Tài chính lấy ý kiến các bộ, ngành và các đơn vị có liên quan; Xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, thúc đẩy công nghiệp logistics và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2023-2026...
Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, một số nhóm hàng cũng có kết quả thu NSNN khá khả quan. Nổi bật trong đó là nhóm hàng ô tô nguyên chiếc các loại với kim ngạch nhập khẩu có thuế đạt 66.624 nghìn chiếc, trị giá đạt 1,5 tỷ USD tăng 14,7% về lượng và tăng 5,9% về trị giá, làm tăng thu 4.500 tỷ đồng. Mặt hàng dầu thô đạt 5,3 triệu tấn, trị giá đạt 3,2 tỷ USD, tăng 37% về lượng và tăng 8% về trị giá, giúp tăng thu 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước...
Chủ động thực hiện nhiệm vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN
Với vai trò là Cơ quan Thường trực của Ủy ban 1899, Tổng cục Hải quan đã nỗ lực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để hoàn thành các nhiệm vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại. Tính đến ngày 30/6/2023, Cơ chế một cửa Quốc gia thực hiện 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành với trên 6,45 triệu hồ sơ của 63.500 DN.
Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, Tổng cục Hải quan đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai kết nối, trao đổi thông tin, chứng từ điện tử theo đúng các thỏa thuận, điều ước quốc tế. Duy trì kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN... Tiếp tục phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước ASEAN còn lại để trao đổi chính thức tờ khai Hải quan ASEAN theo kế hoạch, đồng thời xây dựng giải pháp, lộ trình kết nối trao đổi chứng từ điện tử giữa ASEAN và các đối tác như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành trao đổi thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á - Âu giai đoạn 1 và hiện nay đang tiếp tục phối hợp tiến hành giai đoạn 2. Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan Hàn Quốc đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hệ thống trao đổi dữ liệu xuất xứ điện tử (EODES) nhằm tạo thuận lợi trong thực thi Hiệp định Thương mại tự do...
Tính đến nay, ngành Hải quan đã đầu tư, trang bị, bàn giao và đưa vào sử dụng nhiều loại trang thiết bị hiện đại để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hải quan tại địa bàn các khu vực có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu hàng hóa, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh làm thủ tục lớn.