Còn nhiều dư địa để hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam -Trung Quốc lập những kỷ lục mới
Nhân dịp thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, sáng 28/6, tại Thủ đô Bắc Kinh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam - Trung Quốc.
Diễn đàn do Hội đồng Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam tổ chức. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung; lãnh đạo các bộ, cơ quan và hơn 350 doanh nghiệp hai nước Việt Nam, Trung Quốc cùng tham dự.
Tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thực lực, công nghệ cao đầu tư tại Việt Nam
Tại Diễn đàn, đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước đã giới thiệu tình hình phát triển kinh tế; môi trường đầu tư, kinh doanh; chính sách thu hút đầu tư của mỗi nước; tình hình kinh doanh, đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc; chia sẻ bài học, kinh nghiệm trong đầu tư, kinh doanh tại mỗi nước.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã có những đóng góp quan trọng vào thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước.
Phó Thủ tướng Lưu Quốc Trung cho rằng, Việt Nam - Trung Quốc đều là nước XHCN, chia sẻ chia chung vận mệnh, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào cuối năm 2022 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thống nhất, đưa ra định hướng cho quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung trong thời đại mới.
Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình; hội đàm với Thủ tướng Lý Cường và gặp các lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc, nhằm tiếp tục cụ thể hóa, tiếp thêm động lực cho việc thực hiện các thỏa thuận, nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Phó Thủ tướng Trung Quốc cho biết tin cậy chính trị Việt Nam - Trung Quốc được tăng cường. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư duy trì tăng trưởng. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 cùa Trung Quốc trên thế giới; kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 175 tỷ USD.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, trong đó Việt Nam là thành viên tích cực, chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư và Việt Nam là vẫn là một trong những điểm đến đầu tư lớn nhất của doanh nghiệp Trung Quốc ở ASEAN.
Phó Thủ tướng Lưu Quốc Trung cho biết Trung Quốc đang thực hiện mục tiêu 100 năm lần thứ 2 là trở thành cường quốc XHCN hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp; phục hưng sự vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Trong khi đó, Việt Nam cũng thực hiện mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Hiện nay, thế giới thay đổi nhanh hơn, Trung Quốc và Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác thương mại lên trình độ cao hơn, tầm cao mới. Việc thúc đẩy kết nối phát triển giữa hai nước có ý nghĩa quan trọng.
Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam phát huy đầy đủ Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN. Trung Quốc cũng thúc đẩy cân bằng thương mại song phương.
Theo Phó Thủ tướng Lưu Quốc Trung, Trung Quốc và Việt Nam còn nhiều dư địa để hợp tác, phát triển chuỗi cung ứng. Trung Quốc ủng hộ và sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, hợp tác đầu tư, kinh doanh; ưu tiên phát triển xanh, kinh tế số, thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thực lực, danh tiếng và công nghệ cao đầu tư tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trung Quốc đề nghị Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Trung Quốc nói riêng, vì sự phát triển của mỗi nước nói riêng và vì hòa bình, an ninh, phồn thịnh, tươi đẹp và hữu nghị trong khu vực ASEAN và thế giới. Phía Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam thực hiện chủ nghĩa đa phương, "cùng thắng, cùng có lợi".
Ông cho rằng giới công thương là lực lượng trụ cột trong thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc và cũng là người được hưởng lợi từ sự phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung. Do đó, đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục trao đổi, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác cùng có lợi và góp phần vun đắp quan hệ giữa hai nước.
Kêu gọi doanh nghiệp Trung Quốc tham gia phát triển hạ tầng chiến lược
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã quan tâm chỉ đạo, Phó Thủ tướng Lưu Quốc Trung đã dành thời gian đến dự và phát biểu tại Diễn đàn; đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương khẩn trương tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến tại Diễn đàn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần tìm giải pháp tốt nhất để các nhà đầu tư, nhà nghiên cứu tiếp tục có điều kiện cống hiến cho phát triển quan hệ hai nước, nhất là đầu tư hiệu quả tại Việt Nam; đề nghị cơ quan chức năng hai bên tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ luật pháp, cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư, thương mại giữa hai nước.
Theo Thủ tướng, cần có Tổ công tác chuyên biệt về thương mại và đầu tư để thúc đẩy các hoạt động này thực chất, hiệu quả hơn.
Chia sẻ về các yếu tố nền tảng thúc đẩy phát triển của Việt Nam, Thủ tướng cho biết Việt Nam phát triển dựa trên 3 trụ cột: Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; xây dựng nền dân chủ XHCN; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Quan điểm xuyên suốt là "Lấy con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, là nguồn lực và động lực phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần".
Việt Nam tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch Tổng thể quốc gia và 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước để chỉ ra và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tháo gỡ được những mâu thuẫn, thách thức, hạn chế, yếu kém.
Việt Nam sẽ tiếp tục bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; bảo đảm cân bằng hài hòa, hợp lý giữa tỉ giá và lãi suất, giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu, giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, giữa tình hình bên trong và bên ngoài.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam vẫn kiểm soát được lạm phát và đang tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu cùng với việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Về quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư song phương Việt Nam - Trung Quốc, Thủ tướng cho rằng, còn rất nhiều dư địa để lập các kỷ lục mới vì độ tin cậy chính trị, mối quan hệ lịch sử…; phải nỗ lực để làm được điều này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khi nói thị trường 1,4 tỷ dân Trung Quốc sẵn sàng chào đón các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam.
Để hàng hóa Việt Nam thâm nhập nhiều hơn nữa vào thị trường Trung Quốc thì các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa, cải thiện hơn nữa chất lượng hàng hóa xuất khẩu.
Về định hướng, giải pháp chủ yếu thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại Việt Nam - Trung Quốc thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ: Việt Nam thu hút FDI có chọn lọc, hiệu quả, bền vững, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Về lĩnh vực ưu tiên, Việt Nam đẩy mạnh thu hút và có các chính sách khuyến khích các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; các dự án tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị; các dự án thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát triển bền vững.
Đặc biệt, Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc tham gia đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng chiến lược, như đường sắt, đường bộ cao tốc...; khuyến khích hình thức hợp tác công tư.
Đây là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia phát triển hạ tầng cứng và mềm cho Việt Nam. Bài học kinh nghiệm của Trung Quốc cũng cho thấy cần đầu tư phát triển mạnh cho hạ tầng.
Về một số giải pháp chủ yếu để giảm chi phí, nâng chất lượng, nâng cao hiệu quả cho đầu tư tại Việt Nam, Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ giữ vững môi trường ổn định, hoà bình, hợp tác và phát triển.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, thuận lợi, có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và hệ thống kết cấu hạ tầng. Ứng phó phù hợp với các xu hướng mới, phản ứng chính sách kịp thời với các vấn đề phát sinh.
Về thương mại, cần rà soát, có cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích, thúc đẩy mạnh mẽ thương mại hai nước theo hướng cân bằng hơn, nhất là nhập khẩu nông sản từ Việt Nam. Tiếp tục thúc đẩy thương mại biên giới, nghiên cứu hình thành các khu thương mại biên giới phù hợp.
Phát triển hệ thống logistics, kết nối chuỗi cung ứng, thúc đẩy thương mại điện tử, tạo thuận lợi thương mại; tăng cường hợp tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu, hải quan, nâng cao hiệu suất thông quan, tăng cường xuất khẩu chính ngạch; nâng cấp các cửa khẩu, sớm triển khai và nhân rộng mô hình cửa khẩu thông minh.
Thủ tướng hoan nghênh việc xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh giữa Lạng Sơn (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc).
Kêu gọi các nhà đầu tư Trung Quốc tiếp tục đầu tư mở rộng tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam nỗ lực bảo đảm môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh cho các nhà đầu tư; tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện; đã làm, đã thực hiện phải có hiệu quả,"cân, đong, đo, đếm" được với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, tất cả cùng thắng. Điều này chính là cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước.