Tản mạn về xử lý nợ xấu và tái cấu trúc doanh nghiệp
(Tài chính) Một nguyên tắc tối quan trọng trong xử lý nợ xấu là vấn đề thời gian thì dường như việc hành động đang khá chậm trễ. Xử lý nợ xấu và tái cấu trúc doanh nghiệp đang là vấn đề nóng của kinh tế Việt Nam. Quyết tâm chính trị đã có, nhưng hành động trên thực tế vẫn còn chậm và vướng. Cần những tư duy mới và nhiều chính sách cụ thể hơn để giải quyết tận gốc nợ xấu và tái cấu trúc toàn diện nền kinh tế.
Quyết tâm chính trị đã có, nhưng hành động còn thiếu
Vấn đề xử lý nợ xấu được nói đến từ năm 2011, được bàn nhiều và mạnh mẽ ngay từ đầu năm 2012; vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp (DN), tái thiết nền kinh tế cũng vậy. Nhưng đến nay, những gì chúng ta làm được có vẻ vẫn rất khiêm tốn.
Trong xử lý nợ xấu, Chính phủ đã đánh giá tương đối sát tình hình và thừa nhận thực tế. Nhiều nỗ lực rất đáng ghi nhận của NHNN thời gian qua có thể kể đến như: định kỳ công bố công khai thông tin nợ xấu thay vì giữ kín như trước; xây dựng và trình Chính phủ ban hành Đề án 254 về tái cấu trúc các tổ chức tín dụng (TCTD), trong đó có vấn đề xử lý nợ xấu; trình đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC) làm công cụ xử lý tập trung nợ xấu… Nhưng một nguyên tắc tối quan trọng trong xử lý nợ xấu là vấn đề thời gian. Đến thời điểm này, những quy định do các cơ quan có thẩm quyền ban hành dường như vẫn còn lẻ tẻ, chưa đủ tầm và thiếu độ quyết liệt khi triển khai.
Đối với vấn đề tái cấu trúc, Bộ Tài chính đã trình để Chính phủ ban hành Đề án 929 về tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015. Chính phủ và các Bộ chuyên ngành đã cơ bản hoàn tất phê duyệt đề án tái cấu trúc thành phần... Về mặt chỉ đạo chung thì như vậy, nhưng thực hiện tại các đơn vị vẫn chậm và vướng, nhất là vấn đề tăng cường năng lực tài chính và cắt gọt đầu tư ngoài ngành.
Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, thoái vốn tại các DN đã cổ phần hóa lẽ ra cần được làm quyết liệt để vừa thu gọn đầu mối vừa tập trung nguồn lực tài chính cho tái cơ cấu, nhưng lại đang được thực hiện khá rụt rè. Có 2 vấn đề ở đây. Một là môi trường kinh tế không thuận lợi, dẫn đến khó tìm NĐT. Hai là do vướng về tư tưởng, vướng về chính sách. Nhà nước yêu cầu các đơn vị phải thoái vốn nhưng lại buộc DN phải bảo toàn vốn, dẫn đến trong nhiều trường hợp 2 yêu cầu này mâu thuẫn nhau. Kinh tế suy thoái làm giảm giá thị trường các khoản đầu tư đã có, nên chỉ có thể bán được với giá thấp, thậm chí thấp hơn nhiều so với giá vốn đầu tư ban đầu, nhưng vì nguyên tắc bảo toàn nên sẽ chẳng ai đủ can đảm để bán dưới giá vốn. Yêu cầu cổ đông lớn khi thoái vốn tại công ty đại chúng phải đăng ký và chỉ được Ủy ban chứng khoán (UBCK) chấp thuận chào bán nếu DN được thoái vốn phải có lãi hay buộc phải bán đấu giá qua sàn giao dịch chứng khoán vô tình đã làm hạn chế các cơ hội thoái vốn ngoài ngành, vì nhiều DN cần thoái vốn thường bị lỗ hay nhà đầu tư (NĐT) không muốn đấu giá mua từng đơn vị cổ phần mà muốn đàm phán mua lô lớn để đủ tỷ lệ chi phối khi đầu tư vào DN.
Để thúc đẩy việc thoái vốn, có lẽ cơ quan quản lý chỉ cần yêu cầu phải công khai, minh bạch là được, NĐT sẽ tự tìm hiểu và tự chịu trách nhiệm trước quyết định đầu tư của mình. Hơn nữa, hãy để DN tự quyết định cách thức chuyển nhượng vốn sao cho có lợi và phù hợp, bởi còn một thứ mà văn bản hay cơ quan nhà nước không thể làm được đó là đánh giá và định lượng yếu tố chi phí cơ hội giữa thoái vốn giá thấp lúc này để có tiền làm việc khác với việc cứ chờ đến khi hòa vốn mới bán để rồi lại lỡ cơ hội tái cơ cấu.
Tái cấu trúc phải trên cơ sở ngành, không phân biệt loại hình sở hữu
Có 2 vấn đề còn thiếu trong chương trình xử lý nợ xấu và tái cấu trúc DN hiện nay, đó là việc gắn kết xử lý nợ và tái cấu trúc với tiếp tục thúc đẩy cổ phần hóa và việc hỗ trợ tái cấu trúc khối DN tư nhân. Tái cấu trúc nên được làm song song và là một nội dung của cổ phần hóa. Đẩy mạnh cổ phần hóa, xét trên bình diện rộng chính là việc tái cấu trúc nền kinh tế, là việc Nhà nước thu hẹp danh mục đầu tư ngoài ngành để trả lại cho thị trường và khu vực tư nhân sân chơi mà vốn dĩ chỉ khu vực tư nhân mới làm có hiệu quả.
Giai đoạn vừa qua, nhiều DNNN đã cổ phần hóa hay DN tư nhân cũng gặp khó khăn về nợ xấu và kinh doanh, nhưng Nhà nước dường như mới đặt trọng tâm đến tái thiết khối DNNN mà quên đi vai trò hỗ trợ khu vực tư nhân. Khi Nhà nước có chính sách xử lý nợ, hỗ trợ tái cấu trúc không phân biệt DN tư nhân hay Nhà nước thì khi đó việc xử lý không còn tính cách đơn lẻ DN nữa mà sẽ được đánh giá và thực hiện trên cơ sở tái cấu trúc cả một ngành và như thế sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn cho toàn bộ nền kinh tế.
Ví như, mất rất nhiều thời gian để Việt Nam gây dựng được một ngành thủy sản lớn mạnh miền Tây Nam Bộ, có chỗ đứng trên trường quốc tế. Thế nhưng, các DN trong ngành gặp khó khăn do NHTM cắt đột ngột dòng tín dụng, lãi vay tăng cao, dẫn đến vấn đề nợ xấu, chịu sức ép tái cấu trúc cả ngành để tồn tại, nhưng chúng ta chưa có được chương trình hỗ trợ gì đáng kể để giúp xử lý nợ xấu và tái cấu trúc nhằm duy trì năng lực hoạt động cho cả ngành này.
Trích lập dự phòng không phải là xử lý nợ xấu
Xử lý nợ xấu cần được nhìn nhận dưới nhiều góc độ: TCTD, người vay nợ và xã hội. Nợ xấu chỉ được coi đã xử lý xong khi nào nó không còn tồn tại ở cả TCTD, định chế trung gian và người vay. Do vậy, trích lập dự phòng ở các TCTD không phải là xử lý nợ xấu mà đó là một nghiệp vụ của công tác kế toán theo nguyên tắc thận trọng. Việc hạch toán ngoại bảng nợ xấu hay chuyển nợ xấu từ TCTD sang AMC của chính TCTD hay AMC quốc gia thì mới chỉ làm đẹp sổ sách của TCTD, vì thực ra, quyền chủ nợ vẫn còn và nợ xấu vẫn tồn tại ở phía DN. Vì thế, mấu chốt của quá trình xử lý nợ xấu là phải xử lý tận gốc, nghĩa là xử lý tại chính người vay. Chính phủ đã có chủ trương thành lập VAMC theo đề án của NHNN, nên tới đây Việt Nam sẽ tồn tại song hành 3 kênh cùng tham gia xử lý nợ xấu: DATC, VAMC và các TCTD. Khi đó, cần một sự điều phối chính sách từ NHNN để tạo gắn kết và bổ trợ giữa 3 kênh này. Các TCTD nên tập trung xử lý những món nợ xấu quy mô nhỏ, lẻ theo các cách thức truyền thống. VAMC nên trở thành kênh xử lý tập trung quy mô lớn với các chế tài đặc biệt, nhưng cần được hạn định trước thời hạn hoạt động. DATC nên được định hướng vào xử lý nợ xấu gắn tái thiết DN bất kể là Nhà nước hay tư nhân và là kênh để Chính phủ ủy thác xử lý nợ xấu cho VDB, Ngân hàng Chính sách xã hội hay các khoản nợ đọng về thuế, hay tiếp quản để xử lý nợ và tái thiết các DN quy mô lớn...
Cần cơ chế khai thác tài sản và tái thiết DN song hành với xử lý nợ xấu
Xử lý nợ xấu cần được xem xét trong mối quan hệ với khai thác tài sản bảo đảm cho khoản nợ và tái thiết lại DN vay nợ, vì chúng là hai mặt song hành. Nợ xấu được xác định theo sổ sách, tài liệu, trong khi tài sản bảo đảm nợ là nguồn lực vật chất thật sự tạo ra của cải đang do DN vay quản lý. Nếu cứ chờ phải xử lý nợ xấu xong mới được vận hành khai thác tài sản thì tài sản đóng băng không chỉ làm lãng phí nguồn lực xã hội, mà còn bị mất giá trị cả vô hình lẫn hữu hình. Vì thế, cần có cơ chế và thông lệ thực hành cho phép tách riêng xử lý nợ xấu (xử lý trên giấy tờ) với cho phép khai thác tài sản bảo đảm của khoản nợ (xử lý về vật thể) hay tái thiết DN để vận hành tài sản tránh lãng phí.
Vấn đề thuế và tín dụng trong xử lý nợ xấu và tái cơ cấu DN
Chế độ thuế cũng là vấn đề cần được xem xét điều chỉnh khi xử lý nợ xấu thông qua khai thác tài sản đảm bảo nợ hay trong nghiệp vụ tái cơ cấu DN. Nhiều DN không trả được nợ nhưng có tài sản được định giá lớn hơn rất nhiều so với giá trị sổ sách trước đó và DN có thể sử dụng tài sản này để gán nợ hay bán đi trả nợ. Nhưng theo quy định hiện hành thì DN phải nộp thuế 25% cho phần thặng dư thu được khi xử lý tài sản là bất động sản và không được bù trừ với các khoản lỗ lũy kế khác. Vì thế, có tình trạng DN có tài sản nhưng không sao xử lý để trả nợ được vì không có tiền mặt nộp thuế khi xử lý tài sản. Khi tái cơ cấu, các DN này thường có nợ đọng về thuế nhưng cơ chế hiện hành vẫn nặng về tận thu, không cho phép các DN được cơ cấu lại kỳ hạn trả thuế nợ đọng, nên có chuyện DN khi tái cơ cấu huy động được bao nhiêu vốn cổ đông lại phải dùng để trả thuế nợ đọng trước đó đến hết cả vốn kinh doanh. Việc cho vay của ngân hàng cũng cần được nhìn nhận lại, bởi các ngân hàng đang quá thận trọng cho vay lại các DN có nợ xấu được tái cơ cấu. Thiếu dòng vốn tín dụng làm việc xử lý nợ và tái cơ cấu gặp khá nhiều khó khăn và đây không chỉ đơn thuần là nghiệp vụ cho vay của ngân hàng, mà còn là vấn đề về chính sách cần NHNN quan tâm, hỗ trợ.
Thay lời kết
Khủng hoảng, nhìn dưới góc độ trực diện thì đó là nợ xấu, là phá sản hàng loạt, là mất việc làm…, nhưng ở góc độ tích cực thì đây là cơ hội tốt để thay đổi tư duy, tạo ra đột phá. Trong khủng hoảng, từng DN, từng ngành, rồi cả nền kinh tế bộc lộ những yếu kém và nhờ đó chúng ta thấy được vấn đề để tạo ra thay đổi lớn. Trước hết là thay đổi tư duy, và sau là hình thành các chính sách mới phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực giúp xã hội phát triển. Nếu làm tốt công tác xử lý nợ xấu và tái cấu trúc DN với những thay đổi tích cực trong tư duy và hành động sẽ sớm giúp xử lý những điểm nghẽn để tái thiết và phục hồi nền kinh tế.