Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội:
Tán thành việc đa dạng kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ
Chính phủ trìnhỦy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc đa dạng hoá kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) và phát hành trái phiếu tại thị trường quốc tế. Qua thẩm tra,Ủy ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) nhất trí với các đề xuất trên của Chính phủ.
Kỳ hạn bình quân của TPCP tăng lên trên 4 năm
Theo tờ trình của Chính phủ tại UBTVQH sáng 12/10, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết quy định chỉ phát hành TPCP kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Trong 9 tháng đầu năm 2015, Chính phủ đã thực hiện quy định này với kết quả tích cực là kỳ hạn bình quân của tống thể khối lượng TPCP đang lưu hành trên thị trường tăng lên là trên 4 năm, cao hơn so với mức bình quân khoảng 3 năm của năm 2014.
Tuy nhiên, do quy mô thị trường TPCP còn nhỏ, thị trường đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển nên nhu cầu đầu tư TPCP kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên còn rất hạn chế, dẫn đến khối lượng huy động vốn thông qua phát hành TPCP không đạt được kế hoạch đặt ra. Một trong các nguyên nhân là thị trường TPCP của Việt Nam hiện quy mô còn nhỏ, thanh khoản thị trường chưa cao, hệ thống nhà đầu tư trên thị trường TPCP hiện nay chủ yếu là nhà đầu tư ngắn hạn (các tổ chức tín dụng nắm giữ 77% danh mục nợ TPCP).
Theo kinh nghiệm các nước, thị trường TPCP luôn đóng vai trò là kênh huy động vốn cho NSNN, đồng thời là thị trường chuẩn cho thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường tài chính nói chung. Để đáp ứng đồng thời 2 vai trò này, các quốc gia đều cho phép phát hành đa dạng kỳ hạn TPCP trên 5 năm và dưới 5 năm để chủ động trong điều hành thị trường và tạo lập lãi suất chuẩn cho thị trường tài chính.
Vì vậy, để đạt mục tiêu huy động đảm bảo thanh khoản cho NSNN với chi phí huy động vốn hợp lý, từng bước thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ và phát triển thị trường TPCP trở thành thị trường chuẩn cho thị trường tài chính, Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành TPCP với tất cả các kỳ hạn theo quy định tại Luật quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn. Trên cơ sở chủ trương được Quốc hội phê duyệt, trong điều hành Chính phủ sẽ tập trung phát hành TPCP có kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên.
Đồng thời, Chính phủ sẽ huy động vốn thông qua phát hành TPCP tại thị trường quốc tế, nhằm giảm bớt áp lực huy động vốn tại thị trường trong nước và phát triển thị trường TPCP trong nước thông qua việc phát triển hệ thống nhà đầu tư dài hạn.
Đa dạng hoá kỳ hạn, phát hành TPCP quốc tế vẫn đảm bảo an toàn nợ công
Theo Chính phủ, việc thực hiện các giải pháp trên về cơ bản không làm tăng dư nợ Chính phủ. Các chỉ số an toàn về nợ công đến năm 2020 vẫn được duy trì trong giới hạn quy định, đồng thời vẫn đáp ứng được mục tiêu cơ cấu nợ hợp lý theo chiến lược đã đề ra là đến năm 2020 tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ luôn thấp hơn 50% tổng nợ Chính phủ. Giảm đỉnh nghĩa vụ trả nợ ngắn hạn của Chính phủ trong giai đoạn tới. Thiết lập mức lãi suất chuẩn thấp, tạo sức ép để hạ chi phí huy động vốn nước ngoài của Chính phủ trong tương lai, các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cũng như của các thành phần kinh tế khác.
Tạo ra tín hiệu tốt đối với các nhà đầu tư quốc tế về việc Việt Nam tham gia thị trường một cách thường xuyên. Góp phần giảm áp lực về vốn ngoại tệ của các ngân hàng trong nước, duy trì lãi suất trong nước ở mức thấp để hỗ trợ cho vay đối với doanh nghiệp không có điều kiện vay vốn ngoại tệ từ nước ngoài. Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu quốc tế có tác động làm tăng cung ngoại tệ sẽ góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái và ổn định kinh tế vĩ mô.
Đánh giá về các đề xuất của Chính phủ, đa số ý kiến trong UBTCNS nhất trí về việc triển khai các giải pháp này. Theo UBTCNS, nếu tiếp tục thực hiện phát hành TPCP chỉ từ 5 năm trở lên thì từ nay đến cuối năm 2015 sẽ không huy động đủ lượng vốn cần thiết để đáp ứng nhu cầu chi thực hiện các mục tiêu phát triên kinh tế xã hội.
Đồng thời, trong bối cảnh huy động nguồn lực từ phát hành TPCP trong nước, vốn vay ODA,... gặp nhiều khó khăn thì việc xem xét, cho ý kiến về chủ trương phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế là cần thiết, góp phần khắc phục tình trạng phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế theo thời cơ, thiếu chiến lược bài bản, dài hạn như đã thực hiện trong những năm qua.
Bên cạnh đó, UBTCNS đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật quản lý nợ công trong giai đoạn vừa qua, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung các nội dung không còn phù hợp, xác lập hành lang pháp lý cho quá trình thực hiện trong năm 2016./.