Tăng chất cho thị trường chứng khoán phát triển bền vững

Minh Lâm

Để phát triển tương xứng với quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam, chất lượng đầu tư, hàng hóa cần được cải thiện, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe.

Cải thiện năng lực đầu tư

Thị trường chứng khoán là một cấu phần quan trọng của thị trường vốn, giúp huy động và sử dụng nguồn vốn một cách có hiệu quả, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển ấn tượng về quy mô. Theo số liệu của Bộ Tài chính, kết thúc quý III/2024, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7,1 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm trước; tương đương 69,1% GDP năm 2023. Số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt hơn 8,86 triệu tài khoản, tăng 21,56%.

Tuy nhiên, chất lượng có phần chưa tương xứng với quy mô thị trường, cần phải cải thiện nhiều hơn. Chất lượng thị trường được cấu thành từ 3 yếu tố cơ bản, cần được nâng cấp: Nhà đầu tư, hàng hóa và hệ thống cơ sở hạ tầng. Đây cũng là những yếu tố quan trọng góp phần giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hướng đến mục tiêu nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.

Nhiều chuyên gia cho rằng chứng khoán Việt Nam đang thiếu vắng các nhà đầu tư tổ chức, nhất là các tổ chức nước ngoài.
Nhiều chuyên gia cho rằng chứng khoán Việt Nam đang thiếu vắng các nhà đầu tư tổ chức, nhất là các tổ chức nước ngoài.

Về yếu tố nhà đầu tư, số lượng tài khoản nhà đầu tư hiện tương đương hơn 8% dân số Việt Nam. Trong đó, số lượng nhà đầu tư tổ chức cá nhân trong nước chiếm tỷ trọng tới 99,3%. Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương, tỷ lệ quá lớn là nhà đầu tư cá nhân khiến thị trường chứng khoán luôn phụ thuộc vào diễn biến tâm lý nhà đầu tư. Điều này thể hiện rất rõ qua sự biến động giá cổ phiếu trong thời gian vừa qua. Vì thế, việc các nhà đầu tư tổ chức chiếm tỷ lệ nhỏ đặc biệt là thiếu vắng các nhà đầu tư dài hạn có tiềm lực tài chính mạnh cũng đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của thị trường.

“Ở các thị trường chứng khoán các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức thường ở mức 60%, trong khi Việt Nam, tỷ lệ này chỉ là con số lẻ rất nhỏ. Điều này khiến thị trường lên xuống, thiếu ổn định, phụ thuộc tâm lý nhà đầu tư”, bà Phương nhận định.

Theo thống kê tại các công ty chứng khoán, thanh khoản hàng ngày của khách hàng cá nhân chiếm tới 75%. Đây là một sự khác biệt so với nhiều thị trường chứng khác quốc tế. Tại các thị trường chứng khoán phát triển như Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc…., các nhà đầu tư các nhân thường mua chứng chỉ quỹ, ủy thác cho các quỹ đầu tư. Số lượng khách hàng cá nhân tham gia thị trường chủ yếu là các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Hiện, để thu hút hơn nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, cải thiện năng lực đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Bộ Tài chính, UBCKNN đã và đang nỗ lực không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý. Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC nhằm tháo gỡ nút thắt về yêu cầu giao dịch ký quỹ prefunding, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền. Thông tư có hiệu lực từ 02/11/2024.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã xây dựng và trình Quốc hội Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số quy định Luật Chứng khoán nhằm “nắn” thị trường theo hướng chuyên nghiệp, để nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp tham gia thị trường.

Nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đánh giá cao những nỗ lực hoàn thiện pháp lý nhằm “mở rộng cửa” đón dòng vốn ngoại, hướng mục tiêu nâng cao chất lượng đầu tư, bước tiến lớn cho việc nâng hạng thị trường, kiến tạo một thị trường phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững và hội nhập theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 Chính phủ đã phê duyệt.

Yêu cầu về hàng hóa khắt khe hơn

Khi năng lực đầu tư cải thiện, hàng hóa cũng cần phải đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe hơn. Những nỗ lực của Chính phủ, Bộ Tài chính trong suốt thời gian qua giúp các thị trường minh bạch hơn, góp phần nâng chất cho hàng hóa trên thị trường chứng khoán. Hàng hóa tốt thì mới có những khoản đầu tư tốt và an toàn.

Theo thống kê, thị trường cổ phiếu hiện có 394 mã chứng khoán đang niêm yết và giao dịch trên HOSE; 310 mã cổ phiếu đang niêm yết và giao dịch trên HNX; 878 mã cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM; 4 mã chứng chỉ quỹ đóng, 16 mã chứng chỉ quỹ ETF và 89 mã chứng quyền có bảo đảm.

Nâng cao chất lượng hàng hoá là mục tiêu trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.
Nâng cao chất lượng hàng hoá là mục tiêu trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.

Các mã cổ phiếu đăng ký giao dịch đến từ nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Đặc biệt, quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán đã tạo ra thêm một lượng hàng hóa chất lượng. Tuy nhiên, vấn đề công bố thông tin và kiểm toán vẫn là điều khiến nhà đầu tư e ngại.

Thực tế, có nhiều tiêu chí để đánh giá chất lượng hàng hoá. Nhưng lãnh đạo UBCKNN cho rằng, yếu tố chất lượng hàng hóa thể hiện nhiều nhất ở chỉ tiêu tình hình tài chính, quản trị công ty, cũng như hoạt động công bố thông tin. Do đó, không nhất thiết phải là doanh nghiệp lớn, mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng là những nguồn cung hàng hóa tiềm năng cho thị trường.

Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước nỗ lực nâng cao chất lượng hàng hóa thông qua các giải pháp nâng cao tính công khai, minh bạch của các doanh nghiệp niêm yết, giao dịch trên thị trường và cải thiện chất lượng quản trị công ty của các công ty đại chúng.

Ngoài ra, một số vấn đề đến từ tình trạng room của nhiều cổ phiếu chất lượng khiến dòng tiền từ các tổ chức nước ngoài bị hạn chế. Đa phần các doanh nghiệp tốt hàng đầu với vốn hóa lớn hiện chỉ tập trung vào lĩnh vực Ngân hàng, Bất động sản. Trong khi đó, có rất ít doanh nghiệp mới từ các lĩnh vực khác chào sàn khiến hàng hóa kém đa dạng.

Với câu chuyện nâng chất cho hàng hóa, theo các chuyên gia, bài toán cần giải là vừa tăng cường các quy định về công bố minh bạch thông tin đồng nghĩa với điều kiện cho doanh nghiệp niêm yết sẽ thêm khắt khe nhưng mặt khác thì cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) gắn với niêm yết để đa dạng hơn các sản phẩm trên thị trường.

Khi hàng hóa chất lượng cao thì cũng cần đồng bộ với một hệ thống giao dịch tương xứng. Đây không chỉ là mong mỏi của các nhà đầu tư trong nước. Với mục tiêu nâng hạng, dự báo có thể giúp thị trường Việt Nam đón nhận thêm hàng chục tỷ USD, việc rút ngắn chu kỳ thanh toán vận hành dịch vụ công nghệ thông tin và nới room cho khối ngoại là điều mà các cơ quan quản lý cũng cần tập trung và đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.