Tăng cho vay chuỗi khép kín trong sản xuất nông nghiệp
(Tài chính) Đẩy mạnh mô hình chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp, hướng tới mục tiêu xuất khẩu là một chủ trương phát triển kinh tế đang được tỉnh Thanh Hóa quyết tâm thực hiện. Chủ trương này được tiếp thêm sức mạnh khi có thêm lực đẩy từ nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là sự tham gia vào cuộc cùng tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn của cả hệ thống ngân hàng, từ cơ quan quản lý nhà nước tới từng tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Thí điểm mô hình chuỗi khép kín
Công ty cổ phần công, nông nghiệp Tiến Nông là một trong số các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được giới thiệu và đã được liên Bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ và Ngân hàng Nhà nước) dự kiến đưa vào danh sách cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp. Tổng Giám đốc Công ty CP Tiến Nông kiêm Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Hồng Phong cho biết, doanh nghiệp hiện đang triển khai mô hình liên kết với nông dân để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu với số lượng lớn tại các huyện: Yên Định, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Vĩnh Lộc,… với tổng diện tích dự kiến 10.000 ha, sản xuất hai vụ/năm.
Theo tính toán của ông Phong, áp dụng mô hình này sẽ làm lợi cho người nông dân khoảng 2.000 đồng cho mỗi kg thóc. “Sau một thời gian thí điểm làm thử, người nông dân rất phấn khởi vì không những tránh được hoang hóa ruộng đồng, họ còn thu lợi được từ đây và tiết giảm chi phí cho sản xuất cây lúa”, ông Phong chia sẻ. Theo phân tích của ngân hàng, tổng vốn đầu tư để triển khai dự án dự kiến là hơn 197 tỷ đồng, vốn đối ứng của doanh nghiệp hiện có là 59,3 tỷ đồng. Do vậy, doanh nghiệp ông Phong có nhu cầu cần vay thêm vốn ưu đãi từ ngân hàng là 138,2 tỷ đồng.
Nắm bắt nhu cầu này, Đoàn công tác ngành Ngân hàng do Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chủ trì ngày 15-9 đã đến làm việc tại doanh nghiệp, trực tiếp khảo sát dự án, tìm hiểu những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để từ đó có giải pháp tháo gỡ hỗ trợ vốn vay giúp doanh nghiệp triển khai dự án. Tại buổi làm việc với doanh nghiệp, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định mô hình sản xuất lúa theo chuỗi liên kết khép kín áp dụng công nghệ cao như Công ty CP Tiến Nông rất phù hợp với định hướng, chủ trương cải cách, tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp mà Nhà nước đang triển khai thực hiện. Mô hình này cũng trùng với những dự án mà ngành ngân hàng đang chủ trương thí điểm triển khai nghiên cứu để tập trung đầu tư tín dụng. Do vậy, Thống đốc đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn chung tay cùng doanh nghiệp phân tích, tìm ra những giải pháp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, Thống đốc cũng đề nghị chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để doanh nghiệp và ngân hàng cùng tháo gỡ khó khăn, lưu thông vốn trong nền kinh tế.
Trước mắt, Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh Sầm Sơn bước đầu cam kết hỗ trợ vốn vay để công ty thực hiện dự án khi công ty cung cấp đầy đủ các hồ sơ liên quan đến phương án, đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật.
Khai thác tiềm năng kinh tế địa phương
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy-Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Trịnh Văn Chiến, tám tháng đầu năm 2014, mặc dù còn nhiều khó khăn song tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn giữ được ổn định và tiếp tục phát triển. Trong tám tháng, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 120 dự án (có ba dự án FDI) với tổng vốn đầu tư 12.976 tỷ đồng, gấp ba lần về số dự án và 1,6 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ; thành lập mới 640 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 2.619 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 5.190 tỷ đồng, đạt 93% dự toán tỉnh giao, tăng 42% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 96% dự toán, tăng 45% so với cùng kỳ.
Đối với tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn, theo báo cáo của NHNN chi nhánh tỉnh Thanh Hóa, tính đến cuối tháng 8, tổng dư nợ trên địa bàn (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đạt 46.328 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cuối năm 2013 và tăng 13,2% so với cùng kỳ. Trong đó, cho vay năm lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 20.553 tỷ đồng.
Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh cũng còn những hạn chế, yếu kém. Chất lượng tăng trưởng kinh tế, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế nhìn chung còn thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội còn thiếu và yếu; kết quả xoá đói, giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân của cả nước.
Vì vậy, để khắc phục khó khăn, đưa kinh tế tỉnh phát triển ổn định, bền vững, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cũng cho biết, chính quyền và nhân dân địa phương cần phải nỗ lực cố gắng hơn nữa, cần sự chung tay vào cuộc của nhiều bộ, ngành, đặc biệt là của hệ thống ngân hàng. Cụ thể, để tăng cường thu hút, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA trên địa bàn tỉnh, ông Chiến đề nghị NHNN tiếp tục quan tâm chia sẻ thông tin về định hướng ưu tiên đầu tư của các nhà tài trợ (WB, ADB, KEXIM, AFD, KFW) để tỉnh Thanh Hóa kịp thời cập nhật thông tin về nguồn vốn ODA, lĩnh vực ưu tiên phục vụ công tác chuẩn bị hồ sơ, đề xuất dự án cho phù hợp. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh trong quá trình vận động các nhà tài trợ WB, ADB, Keximbank,… sớm chấp thuận đầu tư các dự án quan trọng như: Dự án hỗ trợ phát triển tỉnh Thanh Hóa; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Khu kinh tế Nghi Sơn; Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải Khu kinh tế Nghi Sơn theo hình thức PPP;…
Ngoài ra, việc áp dụng mức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với trang trại và HTX theo Nghị định 41/NĐ-CP còn gặp khó khăn do phần lớn các trang trại và HTX không đủ vốn tự có theo quy định của ngân hàng. Do đó, đại diện UBND tỉnh cũng có kiến nghị NHNN sớm xem xét để giải quyết vướng mắc này. Bên cạnh đó, NHNN cần tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 41 theo hướng bổ sung thêm đối tượng cho vay là các hộ gia đình trên địa bàn thị trấn, phường, tạo điều kiện cho các hộ gia đình được tiếp cận với nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình.
Cùng với những kiến nghị của đại diện lãnh đạo tỉnh, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng có đề nghị NHNN xem xét xây dựng cơ chế bảo đảm tiền vay đặc thù cho một số dự án liên kết trong nông nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi theo chương trình cho vay thí điểm trong sản xuất nông nghiệp để sản xuất hàng xuất khẩu. Đề nghị NHNN có hướng dẫn riêng về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đối với các hộ vay nông nghiệp, nông thôn (cơ chế riêng cho khách hàng vay vốn theo Nghị định 41); cơ cấu lại nợ khi bị thiên tai, dịch bệnh đối với khách hàng đang có nhóm nợ cao đưa vào nợ nhóm 1 để khách hàng có điều kiện tái đầu tư, tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh…
Trên cơ sở lắng nghe những đề xuất, kiến nghị của đại diện lãnh đạo và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tích cực hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, có nội dung hỗ trợ vốn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là hoạt động cho vay hỗ trợ các dự án trọng điểm và lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh như: cho vay lĩnh vực công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, bằng các hành động cụ thể, thiết thực.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, tiềm năng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thanh Hóa còn rất lớn. Thanh Hóa có nhiều tiềm năng, cơ ngơi phát triển lớn như Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, có thể làm khu công nghiệp về hóa dầu. Nhưng những tiềm năng đó có được khơi dậy không, đòi hỏi địa phương cần có những tính toán bước đi cụ thể, cân nhắc tới mối tương quan với các tỉnh chung quanh để có được quy hoạch phát triển phù hợp. “Chẳng có mô hình nào đúng với tất cả các vùng miền nên chúng ta phải có quy hoạch theo từng vùng miền để tìm ra một mô hình phù hợp. Từ đó tạo được ổn định lâu dài bền vững trong sản xuất nông nghiệp”, Thống đốc nhấn mạnh.
Đối với những đề nghị của tỉnh liên quan đến triển khai Nghị định 41, Thống đốc cũng cho rằng thời gian qua, NHNN đã tổ chức nhiều chuyến công tác do Thống đốc và các Phó Thống đốc dẫn đầu trực tiếp tới các địa phương để nghiên cứu và tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập. Hiện NHNN đang triển khai xây dựng Nghị định mới để thay thế Nghị định 41.