Nghị định 15/2013/NĐ-CP:
Tăng cường chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng
(Tài chính) Sau gần 2 năm đi vào thực tế cuộc sống, Nghị định số 15/2013/NĐ-CP về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng đã góp phần tích cực phòng chống thất thoát, lãng phí, khắc phục các sai sót về thiết kế trong nhiều dự án đầu tư xây dựng. Tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, năm 2015 Bộ Xây dựng sẽ tập trung đẩy mạnh công tác quản lý đầu tư xây dựng qua việc hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, đồng thời kiểm tra, kiểm soát chi phí, chất lượng các công trình, đảm bảo hạn chế những sai sót xảy ra.
Giải quyết nhiều vướng mắc thực tế
Trong những năm gần đây, hiệu quả đầu tư và chất lượng các công trình xây dựng tại nhiều dự án đầu tư xây dựng ở nhiều địa phương trên cả nước đã được đảm bảo, đem lại lợi ích không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.
Những công trình trọng điểm được đưa vào vận hành như đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, nhà ga T2 (Sân bay Nội Bài) hay cây cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á – Nhật Tân… đều phải kể đến những đóng góp không nhỏ của những dự án, văn bản luật, trong đó có Nghị định số 15/2013/NĐ-CP. Từ thực tế, Nghị định đã giúp tăng cường quyền và trách nhiệm của các cơ quan, công chức quản lý nhà nước về xây dựng trong việc kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng.
Từ tháng 4/2013 sau khi Nghị định số 15 có hiệu lực, thống kê của hầu khắp các tỉnh thành phố đã cho thấy tính hiệu quả của công tác “tiền kiểm”. Cụ thể, thông qua việc thẩm tra thiết kế, dự toán của các cơ quan chuyên môn về xây dựng, Nghị định 15 đã góp phần tích cực phòng chống thất thoát, lãng phí, khắc phục các sai sót về thiết kế. Bên cạnh đó, việc kiểm tra công tác nghiệm thu cũng đã giúp khắc phục được các khiếm khuyết về chất lượng trước khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng.
Theo báo cáo của 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong năm 2014 đã thực hiện thẩm tra 15.341 công trình, tỷ lệ hồ sơ thiết kế phải sửa đổi, bổ sung chiếm khoảng 43,8% tổng số hồ sơ được thẩm tra, tổng giá trị dự toán trước thẩm tra khoảng 108.240 tỷ đồng, giá trị cắt giảm sau khi thẩm tra là 5.833 tỷ đồng (tương đương 5,39%).
Qua kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng đối với 6.545 công trình thì có 97% số công trình đạt yêu cầu, đủ điều kiện đưa vào sử dụng, còn lại khoảng 3% công trình được các cơ quan chuyên môn về xây dựng yêu cầu sửa chữa, bổ sung, khắc phục các khiếm khuyết trước khi đưa vào sử dụng.
Để đảm bảo chất lượng công trình, tránh thất thoát thì vồn và tiền của nhà nước đã được kiểm soát ngay từ những khâu đầu tiên của toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng. Có thể khẳng định, Nghị định 15 đã cho thấy tính hợp lý khi vấn đề “tiền kiểm” về thiết kế kỹ thuật và dự toán các công trình đầu tư bằng vốn nhà nước được giao cho cơ quan nhà nước đảm nhiệm thay vì trước đây chỉ giao cho chủ đầu tư thực hiện. Bởi điều này dễ dẫn đến sự “hợp tác” giữa nhà thầu và nhà tư vấn dẫn đến thất thoát, lãng phí.
Tiếp tục phát huy sức mạnh
Thực tế cho thấy, một chính sách đúng không những góp phần tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng cho nhà nước, mà còn góp phần chống thất thoát, lãng phí cũng như nâng cao được hiệu quả đầu tư xây dựng.
Nhận rõ tầm quan trọng của công tác quản lý đầu tư xây dựng, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban công tác chỉ đạo điều hành 2 tháng đầu năm 2015 và Chương trình công tác tháng 3 và quý II/2015 mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh, cùng với việc xây dựng thể chế, với số lượng lớn Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, nhiệm vụ trọng tâm của ngành xây dựng trong năm 2015 là tiếp tục thực hiện Nghị định số 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng, theo hướng tăng cường kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các sự cố xảy ra…
Sau khi Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng được ban hành, Bộ Xây dựng đã tổ chức triển khai 3 thông tư hướng dẫn thực hiện và mới đây là Thông tư 09/2014/TT-BXD nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 15/2013/NĐ-CP với nhiều nội dung mới như giá trị dự toán, thẩm tra dự toán…
Để công tác quản lý đầu tư xây dựng được chú trọng và nâng cao, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 và các luật có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng, nhất là đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, các công trình quy mô lớn, phức tạp.
Bộ cũng yêu cầu các địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch xây dựng và quy hoạch ngành, các lĩnh vực làm cơ sở thực hiện kế hoạch hóa đầu tư và quản lý thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch và kế hoạch.
Tiếp tục xây dựng và đổi mới, cùng với sự quan tâm của Chính phủ, ngành xây dựng, Nghị định 15/2013/NĐ-CP sẽ góp phần đảm bảo được chất lượng cho các công trình đi vào vận hành và đáp ứng được nhu cầu cuộc sống.