Tăng cường đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ, công chức
Để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới, thời gian qua, Tổng cục Dự trữ Nhà nước luôn quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức. Thời gian tới, Tổng cục tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các bộ, ban, ngành cử cán bộ, công chức tham gia các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu từ thực tiễn công việc.

Kết quả tích cực
Trong những năm qua, Đảng ủy cơ quan, Lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng; chủ động cử cán bộ, công chức tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Bộ Tài chính và Tổng cục, các ngành tổ chức, để nâng cao trách nhiệm trong công tác, ý thức kỷ luật và đạo đức, tác phong trong thực thi nhiệm vụ. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2024, Tổng cục đã cử 103 lượt công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng do các cơ sở đào tạo trong và ngoài ngành Tài chính tổ chức.
Các cán bộ, công chức trong ngành Dự trữ Nhà nước được cử đi đào tạo, bồi dưỡng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập; bảo đảm được các tiêu chuẩn, điều kiện để quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ; đáp ứng cơ cấu vị trí việc làm đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng này đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, có năng lực tổ chức, điều hành, tận tụy với công việc, nâng cao trách nhiệm trong công tác, ý thức kỷ luật và đạo đức, tác phong trong thực thi nhiệm vụ.
Đồng thời, Tổng cục DTNN cũng phối hợp với Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính tổ chức lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch dự trữ quốc gia kỹ thuật viên bảo quản cho cán bộ, công chức theo hình thức trực tiếp; cử công chức, viên chức tham gia lớp bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, đào tạo đại học, sau đại học tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài ngành Tài chính.
Để nâng cao năng lực công tác cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Tổng cục chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ này. Theo đó, Tổng cục tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức là lãnh đạo cấp vụ, cục và tương đương, lãnh đạo cấp phòng và tương đương tham gia bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo quy định, nhằm đáp ứng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo theo quy định.
Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2013 đến hết 6 tháng đầu năm 2024, Tổng cục DTNN đã cử khoảng hơn 1.000 lượt công chức là lãnh đạo, quản lý tham gia các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, lớp bồi dưỡng lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng và tương đương, do các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài ngành Tài chính tổ chức...
Nhìn chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành Dự trữ Nhà nước trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đào tại, bồi dưỡng, các cán bộ, công chức đã nâng cao trình độ lý luận chính trị, khả năng tiếp thu kiến thức mới về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu từ thực tiễn công việc.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trong ngành Dự trữ Nhà nước cũng gặp phải một số khó khăn, hạn chế. Tổng cục có 22 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực phân bố trên phạm vi toàn quốc, trong đó có 11 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực ở miền Trung, miền Nam. Với phạm vi phân bổ ảnh hưởng tới việc đào tạo, bồi dưỡng tập trung của cán bộ, công chức.
Một hạn chế khác là do ngành Dự trữ Nhà nước thực hiện kế hoạch nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia vào một số tháng trong năm. Với đặc thù công việc này, các đơn vị gặp khó khăn khi cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ, nhất là các lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch có thời gian dài...
Tiếp tục nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, công chức
Để khắc phục những tồn tại. hạn chế trên, cũng như tiếp tục nâng cao hơn nữa trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, thời gian tới, Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, xây dựng kế hoạch tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực công tác, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn ngành Dự trữ Nhà nước. Trong đó, xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cũng như những định hướng mang tính chiến lược; không những xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Dự trữ Nhà nước đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mà còn đảm bảo tính kế thừa. Thực hiện cơ chế đào tạo, bồi dưỡng theo định kỳ bắt buộc hàng năm, cũng như chế độ đào tạo, bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm.
Hai là, tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành Tài chính tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức để hoàn tthành tốt nhiệm vụ được giao.
Ba là, tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch chuyên ngành dự trữ quốc gia và kiến thức, kỹ năng chuyên ngành theo vị trí việc làm; lớp chuyên viên và tương đương cho công chức mới thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước.
Bốn là, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ công chức, viên chức về tầm quan trọng của đào tạo, bồi dưỡng.
Bố trí kinh phí, tạo điều kiện về thời gian cho cán bộ, công chức yên tâm tham gia các khóa học tập trung, đặc biệt là các khóa học dài ngày.
Năm là, mỗi cán bộ, công chức cần tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo kiến thức, nghiệp vụ nghiêm túc học tập để đạt kết quả tốt sau mỗi khóa đào tạo; chủ động xây dựng kế hoạch học tập hoàn thiện các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho bản thân.
Như vậy, có thể khẳng định, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho mỗi cán bộ, công chức ngành Dự trữ Nhà nước, từ đó góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
6 tháng đầu năm 2024, Tổng cục đã cử 103 lượt công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng do các cơ sở đào tạo trong và ngoài ngành Tài chính tổ chức. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng này đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, có năng lực tổ chức, điều hành, tận tụy với công việc, nâng cao trách nhiệm trong công tác, ý thức kỷ luật và đạo đức, tác phong trong thực thi nhiệm vụ.