Tăng cường động lực để Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế
Nội dung này được tập trung thảo luận tại “Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017-Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới”, diễn ra ngày 20/12 tại Hà Nội, do Ban chỉ đạo liên ngành về hội nhập quốc tế về kinh tế tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, lãnh đạo các bộ, ngành cùng hơn 300 đại biểu tham dự diễn đàn.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo liên ngành về hội nhập quốc tế về kinh tế, Đảng và Chính phủ chủ trương hội nhập toàn diện, với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế.
Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2017, Việt Nam không còn ở trong giai đoạn mở cửa mà chính thức bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng và toàn diện. Từ đó đến nay, không chỉ thực hiện tốt các cam kết trong khuôn khổ WTO mà Việt Nam còn chủ động đàm phán, tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các cam kết tiêu chuẩn cao.
Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, giai đoạn 2007-2017 Việt Nam đã nỗ lực thực thi cam kết WTO và một loạt FTA có yêu cầu đa dạng, phù hợp với năng lực của nhiều nhóm doanh nghiệp. Do đó, xuất khẩu hàng hóa luôn có xu hướng tăng, tốc độ tăng xuất khẩu bình quân đạt khoảng 16,6%/năm.
Dù thấp hơn so với giai đoạn 2000-2006 (19,4%/năm), song mức tăng trưởng này vẫn ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Riêng trong 11 tháng năm 2017, cộng đồng doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội từ các FTA để đạt tăng trưởng xuất khẩu tới 21,5%. Kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm 2017 bằng 4 lần so với năm 2007.
Tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng cho thấy một số tồn tại của nền kinh tế. Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương, tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu là từ khu vực FDI, với mức trung bình đạt 11,6%/năm trong giai đoạn 2007-2016 và 11 tháng của năm 2017 là 23,2%.
Tỷ trọng của FDI trong xuất khẩu gần như tăng liên tục, từ 47% năm 2000 lên 57,2% năm 2007 và 71,2% trong 11 tháng đầu 2017. Bên cạnh đó, số liệu thống kê cũng cho thấy, thâm hụt thương mại của nền kinh tế chủ yếu do thâm hụt từ khu vực kinh tế trong nước.
Một thách thức khác cũng được Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Tổng thư ký Ban chỉ đạo liên ngành về hội nhập quốc tế về kinh tế chỉ ra, đó là, năm 2018 là thời điểm Việt Nam bắt đầu thực hiện đầy đủ các cam kết cắt giảm thuế với 98% biểu thuế trong khuôn khổ ASEAN.
Với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, đây cũng là thời điểm Việt Nam hết thời hạn chuyển đổi và bắt đầu thực hiện cắt giảm thuế với các mặt hàng thuộc danh mục nhạy cảm. Vì vậy, bên cạnh việc đàm phán các hiệp định mới, công tác điều phối để thực thi hiệu quả các hiệp định đã ký kết cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Đồng tình với những phân tích về thực trạng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, TS. Vũ Thành Tự Anh, giám đốc nghiên cứu chương trình giảng dạy kinh tế Fulbbright cho rằng, một trong những giải pháp để Việt Nam tận dụng hiệu quả từ hội nhập kinh tế quốc tế là, cần thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc trong dài hạn, tránh để Việt Nam trở thành điểm trung gian cho các doanh nghiệp FDI xuất khẩu “nhờ”.
Bên cạnh đó là tìm giải pháp để doanh nghiệp Việt gia nhập vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. Theo TS Vũ Thành Tự Anh, làm được việc này thì hội nhập rất có ý nghĩa.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ luôn xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng.
Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp ngày càng phát triển. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu các FTA, để xây dựng phương án kinh doanh sáng tạo, vượt qua thách thức, tận dụng tối đa các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế.
Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước, tăng cường nghiên cứu các vấn đề mang tính chiến lược về hội nhập kinh tế quốc tế để tham mưu, tư vấn cho Chính phủ trong quá trình hoạch định chính sách về hội nhập.
Trước mắt tập trung nghiên cứu các vấn đề mới như tác động của việc tham gia các FTA thế hệ mới; xu hướng chuyển dịch trọng tâm hợp tác trong ASEAN, APEC, ASEM, WTO; tác động của tình hình kinh tế chính trị thế giới tới tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.