Tăng năng suất - Chìa khóa để tăng trưởng bền vững
Tăng trưởng GDP chỉ như hiện nay sẽ khó thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước.
Tầm nhìn và mục tiêu đúng
“Tăng trưởng đã giảm khá nhanh và nếu tiếp tục xu hướng này, Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian hơn để thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực”, TS.Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) 2017 ngày 13/12/2017.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giai đoạn 1990-2000 là 7,3% đến giai đoạn 2001-2010 chỉ còn 6,7% và trong các năm 2011-2016 chỉ đạt 5,96%.
“Với mức tăng trưởng bình quân 6%/năm thì phải hơn 10 năm nữa Việt Nam mới có được thu nhập bình quân/người bằng Thái Lan, và gần 20 năm nữa mới bằng của Malaysia vào năm 2010”, ông Cung nói. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP đang ngày càng phụ thuộc chủ yếu vào năng suất lao động. Tăng năng suất đang có vai trò ngày càng quyết định đối với tăng GDP của Việt Nam, đóng góp tới 89% tăng trưởng GDP năm 2017, từ mức 66,3% giai đoạn 1990-2000 và 61,9% giai đoạn 2000-2012.
Vì vậy, “Tốc độ tăng năng suất lao động thấp là một vấn đề rất cần quan tâm”, ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - đồng chủ trì diễn đàn phát biểu.
Tăng năng suất chính là chìa khóa để tăng trưởng bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước. Cũng vì vậy, VDF năm nay chọn chủ đề Tăng năng suất, đòn bẩy của tăng trưởng bền vững”.
“VDF 2017 lựa chọn chủ đề tăng năng suất, đòn bẩy cho sự phát triển bền vững thể hiện sự đồng điệu về tư duy, về quan điểm của Chính phủ và các đối tác phát triển của Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. “Tăng năng suất đang có vai trò ngày càng quyết định đối với tăng GDP của Việt Nam. Nhận thức rõ điều này, báo cáo của Chính phủ với Quốc hội năm 2018 đã lấy chủ đề là “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp”, Thủ tướng cho biết.
Tuy nhiên, đây đang là một thách thức lớn đối với Việt Nam dù trên thực tế, Việt Nam có nhiều tiềm năng và dư địa, cơ hội. Giáo sư Nhật Bản Kenichi Ohno, người đã gắn bó với các chính sách phát triển công nghiệp ở quốc gia này hơn 20 năm nay, nhận xét rằng, Việt Nam còn yếu về tư duy và năng lực.
Nghịch lý và nguyên nhân
“Từ năm 2018, năng suất lao động phải tăng tối thiểu 6%/năm, cao hơn 1,25 điểm % so với giai đoạn 2011-2017 thì mới đạt mục tiêu tăng trưởng GDP”, ông Cung nhấn mạnh. Nhưng đây thực sự là một thách thức lớn bởi đến nay, năng suất lao động tăng chủ yếu nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, còn năng suất lao động nội ngành trong nền kinh tế lại có xu hướng giảm xuống.
Để có mức tăng năng suất này là một thách thức không nhỏ với Việt Nam, vì nền kinh tế đang có nhiều nghịch lý, theo ông Cung. Và quan trọng trong số đó là đang có sự bế tắc trong chuyển dịch thành phần kinh tế, chuyển dịch nguồn lực từ kinh tế nhà nước sang kinh tế tư nhân chính thức, từ kinh tế tư nhân phi chính thức sang kinh tế tư nhân chính thức chưa đáng kể. Như vậy, không có sự chuyển dịch nguồn lực từ khu vực kém hiệu quả sang nơi có hiệu quả cao hơn. Tốc độ gia tăng giá trị gia tăng của khu vực tư nhân chính thức trong nước tương đối cao, tuy nhiên khu vực này lại không thu hút được lao động và không tạo ra được công ăn việc làm tương xứng trong nền kinh tế.
Khu vực kinh tế nhà nước kém hiệu quả hơn nhiều so với các khu vực khác, nhưng quy mô của khu vực này giảm không đáng kể và hiệu quả cũng không được cải thiện.
Thị trường sản xuất còn yếu kém và méo mó
Nông nghiệp là lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh nhưng lại không thu hút được đầu tư tương xứng với vai trò và hiệu quả hiện có. DN Việt Nam thâm dụng vốn cao, nhưng năng suất vốn lại thấp, điều đó chứng tỏ rằng thâm dụng vốn không đi đôi với đầu tư đổi mới khoa học công nghệ.
Trong khi đó, mức độ tập trung vốn ở khu vực DNNN cao, nhưng tốc độ tăng năng suất lao động lại thấp. Đơn cử như Hà Nội và TP. HCM, có kinh tế quy mô, mật độ kinh tế cao và đủ nguồn nhân lực, cùng các yếu tố khác nhưng lại không thể bứt phá để trở thành đầu tàu thực sự trong tăng trưởng kinh tế.
Và nguyên nhân của những nghịch lý trên là mức độ phát triển thị trường còn thấp, ít được cải thiện, thị trường sản xuất còn yếu kém và rất méo mó. Thị trường sản xuất chưa phải là nhân tố chủ yếu trong huy động và phân bố sử dụng nguồn lực. Giá của các yếu tố sản xuất như lãi suất, tiền lương, giá của quyền sử dụng đất… chưa theo cơ chế thị trường, theo quan hệ cung cầu, mà vẫn còn bị chi phối bởi các quyết định hành chính. Cạnh tranh trên thị trường chưa phải là động lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả của DN và của nền kinh tế.
Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều cơ hội để gia tăng năng suất của nền kinh tế, được thấy rõ ở việc phân bố lại nguồn lực, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi ngành kinh tế, và áp dụng đổi mới khoa học công nghệ, thúc đẩy sáng tạo, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nội ngành… “Để đạt được cạnh tranh theo quy mô, “nhảy vọt” về tăng năng suất, phát triển đủ mức tiềm năng, tạo động lực nội sinh để phát triển, đưa nền kinh tế trở nên năng động hơn, Việt Nam phải đẩy nhanh tốc độ thực hiện hàng loạt giải pháp thúc đẩy năng suất”, theo ông Cung.
Với quan điểm phát triển kinh tế phải được dẫn dắt bởi con người và DN, GS.Ohno khuyến nghị: cần phải tăng cường năng lực thể chế của Việt Nam cho việc nâng cao năng suất, cần phải cải thiện chất lượng chính sách để hỗ trợ khu vực tư nhân một cách hiệu quả.
Để đẩy mạnh đáng kể cải cách nhằm xây dựng, củng cố thể chế thị trường hiệu quả, ông cũng cho rằng cần hết sức chú trọng đến phát triển giáo dục, kỹ năng và đổi mới, sáng tạo trong các giải pháp nâng cao năng suất. Về giáo dục cơ sở, Việt Nam đã đạt được kết quả tốt. Nhưng sẽ cần phải có những kiến thức, kỹ năng mới để góp phần nâng cao năng suất, và đặc biệt là đổi mới nền kinh tế.
“Tôi cơ bản nhất trí với ý kiến mà quý vị đã nêu, rất đúng, hay và sâu”, Thủ tướng nói và nêu một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tiếp tục nâng cao năng suất, tạo đòn bẩy cho phát triển bền vững thời gian tới. Chính phủ đang tiếp tục rà soát và hoàn thiện cơ chế sử dụng các nguồn tài nguyên, phân bổ vốn đầu tư công trên cơ sở nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế-xã hội. Việt Nam đang cải thiện cơ chế phân bổ vốn dựa trên hiệu quả, tín hiệu thị trường. Nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp TFP là nhiệm vụ đang được Chính phủ quan tâm. Trên nền tảng nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp TFP, Việt Nam sẽ có cơ hội vươn lên vượt qua bẫy thu nhập trung bình.