Tăng cường hiệu quả giám sát và truy xuất nguồn gốc thủy sản
Thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) liên quan đến quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), thời gian qua ngành Thủy sản và 28 địa phương ven biển đã có những nỗ lực tích cực trong việc hoàn thiện khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu và nhất là chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Nhìn chung, tại 28 tỉnh, thành phố ven biển, công tác truy suất nguồn gốc thủy sản đã được tiến hành một cách đồng bộ, bài bản. Theo Tổng cục Thủy sản, thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác tại vùng biển Việt Nam được kiểm soát theo chuỗi qua cơ chế xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác hải sản bảo đảm thống nhất với hồ sơ kiểm soát tàu ra vào cảng, công tác xác nhận tại 53 cảng cá chỉ định, chứng nhận tại Chi cục Thủy sản, cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến.
Năm 2021, cả nước cấp được 3.300 giấy chứng nhận với 43.998 tấn sang các thị trường yêu cầu chứng nhận khai thác, trong đó xuất khẩu vào thị trường EU được 2.715 giấy với khối lượng đạt 31.881 tấn. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã cấp 1.500 giấy, khối lượng đạt hơn 21 nghìn tấn...
Đồng bộ vào cuộc
Thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Trung ương và địa phương về công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác (kiểm soát tàu cá ra vào cảng, bốc dỡ thủy sản tại cảng và công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản), lực lượng chức năng tỉnh Cà Mau đã tăng cường kiểm soát tốt, chặt chẽ tàu cá xuất, nhập cửa biển và cập, rời cảng cá chỉ định, có đối chiếu số liệu hằng tháng giữa các lực lượng có liên quan.
Năm 2021, cả nước cấp được 3.300 giấy chứng nhận với 43.998 tấn sang các thị trường yêu cầu chứng nhận khai thác, trong đó xuất khẩu vào thị trường EU được 2.715 giấy với khối lượng đạt 31.881 tấn. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã cấp 1.500 giấy, khối lượng đạt hơn 21 nghìn tấn...
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau Ðỗ Chí Sĩ, cả tỉnh có 5 cảng cá chỉ định cho tàu cập bến, với tổng nguồn nhân lực gần 60 người, là lực lượng chủ công giám sát truy suất nguồn gốc hải sản ở Cà Mau.
Nhờ đó từ đầu năm 2020 đến ngày 31/8/2022, Văn phòng IUU tại các cảng cá Cà Mau đã kiểm tra, kiểm soát hơn 39.000 lượt tàu cá cập, rời cảng, qua đó lập biên bản nhắc nhở hơn 1.000 tàu cá và yêu cầu chủ tàu cam kết khai thác thủy sản theo đúng quy định của pháp luật. Nhờ thực hiện tốt công tác truy suất nguồn gốc mà từ đầu năm 2018 đến cuối tháng 9/2022, lực lượng chức năng Cà Mau đã cấp được 417 giấy xác nhận cho hơn 46.500 tấn nguyên liệu hải sản. Ðến nay, Cà Mau không có trường hợp nào sai sót về hồ sơ xuất khẩu hải sản phải xác minh, giải trình...
Tại tỉnh Phú Yên, từ năm 2019 đến nay đã không còn trường hợp tàu cá nào vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên Nguyễn Trọng Tùng cho biết: Phú Yên đang triển khai số hóa công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác thay vì kê khai thủ công như trước đây mất nhiều thời gian, nhân lực mà số liệu không chính xác.
Ngành cũng triển khai tập huấn cho cán bộ quản lý, ngư dân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản về thao tác, ghi nhật ký điện tử, sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Phần mềm này đã được chạy thử, sắp tới sẽ áp dụng ghi nhật ký điện tử đối với các tàu câu cá ngừ đại dương…
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế nhấn mạnh: Chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, nhất là cấp phường, xã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân; khẩn trương triển khai các biện pháp trọng tâm chống khai thác IUU.
Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra tàu cá cập cảng bốc dỡ hải sản và rời cảng đi khai thác, việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản và thực hiện các quy định tàu cập, rời cảng. UBND tỉnh đề nghị các doanh nghiệp kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc không rõ ràng.
Triển khai nhật ký điện tử truy xuất nguồn gốc
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác tại nhiều địa phương còn hạn chế, chưa bảo đảm độ tin cậy tuyệt đối trong công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản.
Thí dụ như tại tỉnh Cà Mau, dù đã nỗ lực thực hiện Luật Thủy sản và các quy định có liên quan, tuy nhiên công tác phối hợp, trao đổi, thu thập, cung cấp thông tin về hoạt động nghề cá trên biển đôi lúc còn chưa kịp thời; các đối tượng vi phạm thường kịp thời đối phó trước khi lực lượng chức năng đến địa điểm thanh, kiểm tra... Hay như về kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu, thường mới chỉ tập trung làm tốt công tác kiểm dịch, việc thanh, kiểm tra theo quy định của Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng để bảo đảm việc kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam là sản phẩm hợp pháp vẫn chưa làm đúng theo yêu cầu...
Ðể tiếp tục thực hiện tốt việc truy suất nguồn gốc thủy sản, thời gian tới, ngành thủy sản và các địa phương ven biển cần tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Các địa phương cần rà soát, nâng cao chất lượng đội ngũ thực thi nhiệm vụ, bảo đảm đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật đối với cộng đồng ngư dân, chủ doanh nghiệp, đồng thời nêu cao vai trò trách nhiệm của các hiệp hội, nghiệp đoàn nghề cá, chính quyền các địa phương ven biển.
Về vấn đề này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết: Xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện công tác phòng, chống khai thác IUU; đồng thời quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về chống khai thác IUU tỉnh Phú Yên với 13 thành viên do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Hằng năm, Ban chỉ đạo đều tổ chức họp 1-2 lần để đánh giá tình hình thực hiện; đề ra giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế và chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tập trung tháo gỡ vướng mắc, tăng cường năng lực thực hiện công tác chống khai thác IUU hiệu quả.
Trong điều kiện hiện nay, để tăng cường hiệu quả hơn nữa trong giám sát và truy xuất nguồn gốc toàn bộ chuỗi khai thác, nhập khẩu, chế biến, xuất khẩu thủy sản khai thác bảo đảm độ tin cậy, tính hợp pháp cao, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung, kết nối giữa các đơn vị liên quan đóng vai trò then chốt và cấp thiết. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Ðình Luân nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này, khi cho rằng: "Truy xuất nguồn gốc thủy sản không chỉ để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu như EU, Mỹ... mà còn là nhu cầu từ thị trường trong nước liên quan tới minh bạch hóa thông tin về sản phẩm thủy sản.
Thời gian qua, ngành thủy sản đã chủ động triển khai vấn đề này, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Tuy nhiên, cách ghi chép nhật ký thủ công, theo phương pháp truyền thống lộ một số hạn chế (chưa bảo đảm tính chính xác, tốn nhiều thời gian, nhân lực...). Triển khai nhật ký điện tử truy xuất nguồn gốc vì thế là nhiệm vụ cấp thiết với ngành thủy sản.
Qua quá trình thử nghiệm, Tổng cục Thủy sản nhận thấy, nhật ký điện tử cần bảo đảm các yếu tố dễ sử dụng với bà con, liên thông với hệ thống tàu trên cả nước, dễ dàng kết nối để giám sát vị trí và đưa vào nhật ký khai thác. Qua quá trình lấy ý kiến, doanh nghiệp và các chủ tàu đều mong muốn được tham gia, nhằm giảm sức người, tăng độ chính xác cho công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác…"…
Việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu nhập khẩu từ khai thác ngoài vùng biển Việt Nam cũng đã được tăng cường, bảo đảm theo quy định của pháp luật Việt Nam và cơ bản đáp ứng được quy định của Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng (PSMA), cụ thể: Duy trì việc quản lý, theo dõi việc cấp xác nhận cho các lô hàng thủy sản được chế biến thủy sản tạm nhập tái xuất vào EU, đồng thời duy trì hoạt động thẩm tra sau chứng nhận, xác nhận đối với các cơ sở chế biến bảo đảm hoạt động truy xuất trong toàn bộ quá trình sản xuất.
Trong năm 2021 đã xác nhận 1.035 lô thủy sản khai thác xuất khẩu với 22.003 tấn và từ đầu năm 2022 đến nay đã xác nhận gần 500 lô thủy sản khai thác xuất khẩu với hơn 7.500 tấn. Tính đến nay, tất cả các lô hàng thủy sản khai thác được xác nhận cam kết đều được thông quan, chưa có lô hàng nào có vướng mắc hoặc trả về do vi phạm quy định IUU…