Tăng cường hợp tác toàn diện giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Lào
Chiều 28/5, tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có cuộc làm việc với ông Santiphab Phomvihane - Bộ trưởng Bộ Tài chính nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc bày tỏ vui mừng chào đón ông Santiphab Phomvihane - Bộ trưởng Bộ Tài chính Lào cùng Đoàn công tác đã sang thăm và làm việc với Bộ Tài chính Việt Nam; đồng thời khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống gắn bó giữa Bộ Tài chính hai nước ngày càng đoàn kết, tốt đẹp.
Theo Bộ trưởng, hai bên thường xuyên trao đổi thông tin, tham vấn và phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Hiện nay, Bộ Tài chính hai nước đang phối hợp triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2021-2025 để giúp Bộ Tài chính Lào nâng cao năng lực quản lý tài chính. Do đó, cuộc làm việc này là dịp hai Bộ Tài chính cùng tổng kết lại tình hình hợp tác trong năm 2023 và kế hoạch triển khai các hoạt động hợp tác năm 2024.
Đánh giá kết quả thực hiện thoả thuận hợp tác năm 2023, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đến nay, hai bên đã thực hiện được 26/35 nội dung đề ra trong thoả thuận, như vậy 74% kế hoạch đã hoàn thành, các nội dung còn lại sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2024 và Bộ Tài chính hai nước sẽ ký kết hợp tác mới để triển khai trong giai đoạn tiếp theo.
Chia sẻ một số kinh nghiệm điều hành, quản lý lĩnh vực tài chính, Bộ trưởng nêu rõ: “Nền tài chính công vững mạnh dựa trên nền kinh tế vững mạnh và phải tập trung hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp.” Vì vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc hoàn thiện thể chế. Đây cũng chính là một trong những mũi đột phá trong phát triển kinh tế của Việt Nam, bên cạnh đó là đào tạo nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, quan tâm phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất để tăng năng suất lao động…
Hiện nay, Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường phân cấp ngân sách nhà nước, giữ vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương, cùng với đó, tới đây sẽ đề xuất sửa đổi các luật thuế… Với những nỗ lực trong hoàn thiện thể chế mà thời gian qua thu ngân sách nhà nước của Việt Nam luôn vượt dự toán Quốc hội đề ra.
Về kinh nghiệm trong quản lý nợ công, quan điểm chủ đạo của Việt Nam cũng như Bộ Tài chính là nguồn lực nợ công cần tập trung vào bù đắp bội chi ngân sách nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vay theo nhu cầu sử dụng vốn; việc huy động vốn phải tính toán kỹ lưỡng trong khả năng trả nợ của từng cấp ngân sách…
Bộ trưởng nhấn mạnh, những thành tích mà ngành Tài chính đạt được trong những năm qua đã trở thành “bệ đỡ” vững chắc cho kinh tế Việt Nam phát triển trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 và những bất ổn của tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Bằng những kinh nghiệm quý báu này, Bộ trưởng khẳng định, Bộ Tài chính Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, đồng hành với Bộ Tài chính Lào để hai bên cùng phát triển bền vững.
Đối với các nội dung chuyên môn mà phía Bộ Tài chính Lào đề xuất trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, Bộ Tài chính Việt Nam sẽ tiếp tục cử các đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Tài chính Lào để triển khai thực hiện. Ngoài ra, phía Bộ Tài chính Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận đào tạo các đoàn công chức tài chính phía Lào gửi sang thông qua hệ thống các trường đại học của Ngành...
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc bày tỏ tin tưởng rằng, mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Bộ Tài chính hai nước sẽ ngày càng phát triển, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào.
Cảm ơn sự tiếp đón chu đáo của Bộ Tài chính Việt Nam và đặc biệt là Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lào Santiphab Phomvihane hoan nghênh nỗ lực của các đơn vị của hai Bộ trong việc thực hiện các hoạt động hợp tác năm 2023. Theo Bộ trưởng Santiphab Phomvihane, các hoạt động hợp tác đã giúp Bộ Tài chính Lào có thêm kinh nghiệm chuyên môn để tháo gỡ những khó khăn trong quản lý tài chính – ngân sách và đào tạo, tập huấn cho cán bộ trong các lĩnh vực về thuế, hải quan, kho bạc nhà nước; Hỗ trợ Bộ Tài chính Lào nghiên cứu, soạn thảo kế hoạch, chiến lược, dự thảo quy định pháp luật về cải cách doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ công…
Về định hướng hợp tác năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lào đề cập đến một số nội dung chính mà hai bên sẽ thúc đẩy triển khai, cụ thể: Hỗ trợ định hướng phát triển ngành Tài chính Lào trung và dài hạn; Tiếp tục hỗ trợ cải cách thể chế và hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực tài chính theo chương trình, kế hoạch cải cách của phía Lào; Hỗ trợ triển khai nghiên cứu, phổ biến thẩm định dự thảo các Luật và các văn bản hướng dẫn của ngành tài chính của Bộ Tài chính Lào...
Bộ trưởng Santiphab Phomvihane cũng đề nghị Bộ Tài chính Việt Nam tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Bộ Tài chính Lào thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên như: Hải quan, Thuế, Kho bạc, Ngân sách nhà nước, Quản lý nợ, chuyển đổi số. Đồng thời, triển khai các đoàn chuyên gia của Bộ Tài chính Việt Nam sang tư vấn, hỗ trợ trong lĩnh vực tài chính-ngân sách theo đề xuất của Bộ Tài chính Lào...
Bộ trưởng Santiphab Phomvihane cũng mong muốn, chương trình hợp tác giữa hai bên ngày càng phát triển tốt đẹp, qua đó giúp Bộ Tài chính Lào nâng cao năng lực quản lý tài chính; giúp cán bộ, công chức, viên chức hai ngành Tài chính Việt Nam và Lào tăng cường hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau.
Ngay sau cuộc làm việc, đại diện Bộ Tài chính Việt Nam và Lào đã ký kết Biên bản cuộc họp lần thứ 18 Ban Chỉ đạo Chương trình hợp tác giữa hai Bộ Tài chính Việt Nam – Lào.