Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành trong quản lý thuế thương mại điện tử

Việt Dũng

Đề cập đến giải pháp quản lý thuế thương mại điện tử (TMĐT) trong năm 2022, bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, thực hiện Đề án quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, Tổng cục Thuế đã tham mưu với Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để quản lý thuế đối với hoạt động này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, trong năm 2021, Bộ Tài chính đã ký kết thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Công Thương, trong đó có nội dung phối hợp xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực TMĐT. Trên cơ sở thỏa thuận phối hợp công tác, hai cơ quan sẽ triển khai chia sẻ cơ sở dữ liệu, kết nối để khai thác thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh TMĐT trong nước.

Cũng trong năm 2021, Tổng cục Thuế đã tham mưu với Bộ Tài chính ký kết thỏa thuận với Bộ Thông tin và Truyền thông; trong đó, có nội dung về việc trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý thuế đối với chủ thể cung cấp dịch vụ viễn thông, quảng cáo trên mạng; các sản phẩm, dịch vụ phần mềm; các sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số và các sản phẩm, dịch vụ thông qua các nền tảng số trong nước và xuyên biên giới.

Hiện nay, Tổng cục Thuế cũng đang phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính xây dựng chương trình làm việc để đề xuất phối hợp công tác giữa Bộ Tài chính với Bộ Công an trong việc thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế; bao gồm các nội dung sau: dữ liệu về các tổ chức, cá nhân có tham gia hoạt động TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới; kết nối, chia sẻ dữ liệu trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để củng cố dữ liệu đăng ký thuế, đảm bảo xác định được chính xác các cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT.

Song song với đó, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đang xây dựng chương trình triển khai các quy định của Luật Quản lý số 38/2019/QH14 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc cung cấp thông tin cho công tác thanh tra, kiểm tra và cưỡng chế nợ thuế; xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình TMĐT; thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán xuyên biên giới trong TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam…

Đối với công tác quản lý thuế các dịch vụ xuyên biên giới, cơ quan Thuế đang gặp khó trong việc xác định nguồn thu, đối tượng khi người nộp thuế không đăng ký kinh doanh, không có cơ sở kinh doanh cố định. Doanh nghiệp nước ngoài thường viện dẫn theo hiệp định thuế, xác định không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam nên không kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp...

Trước thực trạng đó, hiện Tổng cục Thuế đã xây dựng các chương trình xúc tiến hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm về quản lý thuế quốc tế đối với hoạt động TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới. Trong đó, tập trung xây dựng kế hoạch hợp tác chống gian lận thuế quốc tế thông qua việc trao đổi thông tin về quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT và dịch vụ kỹ thuật số xuyên biên giới; xây dựng kế hoạch tham gia đàm phán, ký kết hiệp định song phương hoặc đa phương về phân bổ lợi nhuận đối với hoạt động TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới; xây dựng chương trình, dự án đề nghị hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý thuế tại Việt Nam thông qua kinh nghiệm quốc tế...

Tổng cục Thuế đã xây dựng Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam” trình Bộ Tài chính. Trên cơ sở Đề án nêu trên, Bộ Tài chính đã xây dựng Kế hoạch tổng thể để triển khai từ nay đến hết năm 2023. Trong đó, tập trung các giải pháp tăng cường công tác quản lý thông qua một số giải pháp quan trọng như: Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; triển khai thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề; hiện đại hoá công tác quản lý thuế; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro; phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội có liên quan để trao đổi kết nối thông tin; củng cố địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ cho một số đơn vị để đáp ứng quản lý chuyên sâu đối với TMĐT; xúc tiến hợp tác quốc tế trong việc đàm phán hiệp định song phương, đa phương về quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT... Đối với lộ trình dài hạn đến 2025, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) cũng đã đề xuất sửa đổi các Luật Thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan đến quản lý TMĐT; xây dựng Đề án bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế...