Tăng cường phối hợp, tạo thuận lợi quản lý hàng vật tư nông nghiệp dự trữ quốc gia

PV.

Phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ngày 27/8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, hiện nay, danh mục các mặt hàng dự trữ quốc gia (DTQG) của Bộ NN&PTNT có đặc thù riêng. Do đó, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ này nghiên cứu, sửa đổi chính sách để thực hiện tốt công tác quản lý các mặt hàng vật tư nông nghiệp DTQG.

Ngày 27/8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận đã có buổi làm việc với Bộ NN&PTNT về công tác quản lý hàng vật tư nông nghiệp DTQG. 

Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Tài chính có Thứ trưởng Lê Tấn Cận; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Nguyễn Thị Phố Giang. Về phía Bộ NN & PTNT có Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, cùng đại diện một số đơn vị chức năng trực thuộc hai Bộ.

Bộ trưởng Bộ  NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc. 
Bộ trưởng Bộ  NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc. 

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ tích cực từ phía Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan, công tác quản lý hàng vật tư nông nghiệp DTQG của Bộ NN & PTNT được triển khai hiệu quả và đạt nhiều kết quả tích cực.

Nguồn lực DTQG từng bước được củng cố, tạo sự chủ động hơn cho Bộ NN & PTNT trong quản lý, điều hành và xuất cấp hàng vật tư nông nghiệp DTQG, kịp thời hỗ trợ các địa phương để phòng, chống dịch bệnh, khắc phục thiên tai, khôi phục sản xuất. 

Theo thống kê, trung bình mỗi năm, thực hiện quyết định của cấp có thẩm quyền, Bộ NN & PTNT đã xuất cấp kịp thời khoảng 3.500 tấn giống cây trồng; 1,69 triệu lượt vắc - xin; 3.900 lít hóa chất sát trùng gia súc; khoảng 750 tấn hóa chất sát trùng thủy sản hỗ trợ các địa phương trên cả nước.

Nhìn chung, việc quản lý chất lượng và bảo quản hàng DTQG luôn được Bộ NN & PTNT quan tâm, triển khai theo đúng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Bên cạnh các kết quả đạt được, việc quản lý hàng DTQG của Bộ NN & PTNT cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Công tác lựa chọn hình thức đấu thầu mua hàng DTQG; xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật trong bảo quản, nhập, xuất hàng DTQG...

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận phát biểu tại buổi làm việc. 
Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận phát biểu tại buổi làm việc. 

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các đơn vị: Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT) đã cho ý kiến trao đổi về một số khó khăn, vướng mắc trong quản lý vật tư nông nghiệp DTQG hiện nay và đưa ra kiến nghị các giải pháp để khắc phục những vướng mắc này. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau hơn 10 năm thi hành Luật DTQG, đến nay, việc quản lý hoạt động xuất cấp hàng dự trữ có nhiều thay đổi. Do đó, Luật cần được rà soát sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế.

Chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý vật tư nông nghiệp DTQG, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN & PTNT đang gặp 2 khó khăn chính, đó là công tác lựa chọn đấu thầu mua hàng DTQG và bộ máy quản lý. Từ những khó khăn này, Người đứng đầu ngành NN & PTNT đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn để tháo gỡ những khó khăn này.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận ghi nhận và cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Bộ NN & PTNT theo tinh thần nội dung nào thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính có thể xử lý ngay thì giải quyết sớm. Với các vướng mắc vượt thẩm quyền, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền cấp trên sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo phù hợp tình hình thực tế.

Liên quan tới một số kiến nghị của Bộ NN & PTNT như đưa một số mặt hàng của ngành Nông nghiệp ra khỏi danh mục hàng DTQG; bất cập trong đấu thầu mua hàng DTQG..., Thứ trưởng Lê Tấn Cận cho biết, những kiến nghị này cần được xem xét kỹ lưỡng.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Hiện nay, việc quản lý hàng DTQG được thực hiện theo Luật DTQG. Danh mục các mặt hàng dự trữ do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ NN & PTNT quản lý có đặc thù riêng, mang tính chuyên môn sâu, kỹ thuật.

Từ thực tế này, Thứ trưởng Lê Tấn Cận lưu ý, các bộ trực tiếp sử dụng phải quản lý các mặt hàng DTQG đảm bảo hợp lý. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ NN & PTNT tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi bổ sung chính sách nhằm quản lý chặt chẽ hơn nữa các mặt hàng DTQG, vật tư nông nghiệp theo đúng quy định pháp luật.